Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

POST HOC, ERGO PROPTER HOC.

Trong y khoa thực nghiệm có câu trên, có nghĩa là :Theo sau việc ấy, vậy là do việc ấy, hay như tiếng Việt ta có thành ngữ cú kêu ra ma, để chỉ sự lầm lẫn khi quy kết hai hiện tượng ngẫu nhiên có trước và có sau thành ra mối tương quan nhân quả. Ví dụ có thời người ta cho rằng sốt rét là do uống nước suối trong rừng. Đúng là nhiều người đi rừng sau khi uống nước suối về bị sốt rét. Nhưng ngày nay chúng ta ai cũng biết sốt rét là do ký sinh trùng Plasmodium do muỗi Anopheles truyền. Chuyện uống nước suối chỉ là ngẫu nhiên. Không uống nước suối mà gặp Anopheles vẫn cứ bị sốt rét như thường.

Nói vậy để thấy rằng, muốn kết luận một điều kiện nào là nguyên nhân của một hiện tượng, mà chỉ chứng minh là điều kiện ấy bao giờ cũng đi trước hoặc đi đôi với hiện tượng thì chưa đủ. Còn phải chứng tỏ được rằng khi cất bỏ điều kiện thì hiện tượng kia không xảy ra được nữa.

Nhưng lần này thì cái hoc trước và cái hoc sau đúng là nhân quả thật. Vụ thay lời thơ Bác ở núi Dũng Quyết bằng văn ông Vũ Khiêu đi sau cái quan hệ với Tàu ấy. Sự tình thì cứ vào quechoa.info sẽ rõ. Mình chỉ lưu ý mấy cái phản hồi ở bài Ngụy biện và Chống chế.

"Từ khi bia được dựng lên (khi tình hình quan hệ Việt – Trung chưa nóng như bây giờ), nhiều người..."

Khỏi cần biết cái nhiều người ấy bàn tán việc chi, chỉ biết là văn bia có lời thơ Bác được đựng lên từ thời tình hình quan hệ Việt - Trung chưa nóng. Chưa nóng nên không sợ, Bác có gọi là Tàu đi nữa cũng cứ dựng. Còn nóng như bây giờ, thì vội vã đục đi (hay phủ composit đi) và thay vào đấy là bài văn của ông Vũ Khiêu đánh Tôn không đánh Tàu.

Vậy cái hoc quan hệ Việt - Trung chưa nóng thì có thơ Bác, mất cái hoc (quan hệ Việt Trung nóng) thì không còn thơ Bác.
Đúng quan hệ nhân quả quá rồi còn gì.
Chớ còn cái nôm na hay là kẻ này kẻ kia, đúng như bác Lập nói, ngụy biện mà thôi.
Làm bé khổ thật.