Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

LAO XAO TÊN ĐƯỜNG.

Tối nay đi chơi về, qua ngã tư đèn đỏ,dừng lại, chợt ngẩng lên thấy cái biển tên đường Đinh Tiên Hoàng giao với Nguyễn Huệ. Buồn cười. Nhất bên trọng nhất bên khinh vậy ta.

Ngẫm lại thấy xứ mình đặt tên đường hơi bị tùy tiện làm sao. Có ông vua thì dùng miếu hiệu như Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tông…Có ông thì trơ trụi,gọn lỏn như Lê Lợi,Nguyễn Huệ…Hay mấy ông sau không có miếu hiệu. Hay là mấy ông trước kỵ húy, còn mấy ông sau thì không? Sao không đặt tên đường Bửu Lân mà lại là Thành Thái, không đặt tên Nguyễn Phúc Đảm mà lại là Minh Mạng. Có người sẽ nói dân chỉ biết ông Thành Thái chứ không biết ông Bửu Lân…Vậy thì ông Quang Trung dân có biết không, ông Lê Thái Tổ có lẫn với ông nào không? Hay là có ông thì được quyền xách mé gọi tên, có ông thì phải kính trọng gọi bằng tước hiệu, bằng miếu hiệu.

Hoặc như đường Sư Vạn Hạnh, Khuông Việt.Chẳng có sách vở nào nói trụi lủi như thế. Vua chúa quan lại ngày xưa chẳng ai xách mé như thế. Thì tiếc gì mà không thêm cho ngài danh hiệu Vạn Hạnh Thiền sư, hay Khuông Việt Đại sư, Khuông Việt Quốc sư. Nghe nó trang trọng và thể hiện sự tôn kính tiền nhân.

Nhiều lắm. Ông Thoại Ngọc Hầu đứng bên ông Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Văn Duyệt chứ không phải Lễ Thành Hầu, Lê Tả quân mặt dù dân Nam đã kính mến gọi ông Chưởng,Lê Thượng Công…Sao lạ vậy ta? Hoặc là ông Thủ Khoa Huân đi với ông Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị chứ không là ông Đồ Chiểu, Cử Trị.


Đó là chưa kể trong cùng một thành phố vừa có đường Quang Trung vừa có đường Nguyễn Huệ, vừa có Đinh Bộ Lĩnh vừa có Đinh Tiên Hoàng.Chả biết ông nào vào ông nào.

1 nhận xét:

  1. Bạn vẫn mắc cái tật sau dấu chấm hoặc phảy thiếu một dấu cách. Hì hì HP đây mà.

    Trả lờiXóa