Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

BÀ GIÀ, 5 TỈ VÀ ZUCKERBERG.


Thỉnh thoảng có việc đi ngang đường Võ Thị Sáu,TP Hồ Chí Minh,mình thấy vài bà cụ lọm khọm,còm cõi ngồi bên bị quần áo,trước mặt là mấy mảnh giấy cỡ A3,A2 có những dòng chữ : “Công lý ở đâu?” “Dân oan 17 năm đi khiếu nại đất đai bị chiếm đoạt” v.v…
Cạnh đó là vài chú cảnh sát trật từ và vài cậu dân phòng.Một vài người dừng lại đọc mảnh giấy,có người hiếu kỳ lấy máy ảnh,điện thoại di động ra chụp…Chắc ai cũng biết đó là những người nông dân chân lấm tay bùn bao đời bán mặt cho đất,bán lưng cho trời đã vô tình được cấp trên ưu ái quy hoạch tài sản phục vụ cái gì đó,có khả năng là sân golf cho các đại gia đầy tớ của họ.



Rút người dân ra khỏi phương tiện sản xuất,đẩy họ ra đường là cách ngắn nhất để tạo ra các ván cờ tướng 5 tỉ đồng của ông phó giám đốc Sở GTVT Sóc Trăng Nguyễn Thanh Lèo. Thật tình không thể tưởng tượng nỗi cụ Nguyễn Du đã có một minh họa sống động sau hai trăm năm :Nghìn vàng đổ một trận cười như không. Trong một xã hội tưởng như của Từ Hải hóa ra đầy rẫy Tú bà, Mã giám sinh được bảo kê bởi Hồ (Tôn Hiến),tha hồ vùi dập dân đen.
Nhưng hình như tiền của không do tự tay mình làm ra nó có cánh thì phải.Các đại gia, thiếu gia chơi ngông nhà mình có vô khối cách để tiêu tiền cho đỡ buồn,từ việc ném nhẫn xuống sông, tặng xế cho gái tới đánh cờ bạc tỉ.










Còn cậu tỉ phú sinh năm 1984 mới đây sang Việt Nam thì sao?Quần bò,áo thun và dép lê.Chắc rằng cậu ta không thể chơi ván cờ này,vì để làm nên một tỉ phú trẻ tuổi từ một ý tưởng sáng tạo,cậu không thể có một hệ thần kinh quen thuộc của bệnh viện tâm thần.

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

TÍNH CHUYÊN CHÍNH VÀ TÍNH NGHIỆP DƯ.

Chuyên chính,theo định nghĩa là dùng bạo lực để trấn áp sự chống đối giai cấp.Còn nghiệp dư,tất nhiên là không chuyên nghiệp,tức ngẫu hứng lý qua cầu chẳng cần theo một quy tắc nghề nghiệp nào hết.Thường hai đức tính này đi với nhau,cái trước bảo vệ cái sau để cùng bước tới một sân chơi chỉ mỗi-mình-ông-chơi-với-dế.
Thật vậy,xem cách hành xử thời gian qua của VFF và VPF về bản quyền truyền hình với đối tác AVG cho thấy điều đó.
Trước đây,bằng cách nào đó,AVG đã đưa em VFF vào hạ bằng cách ký một bản quyền sản xuất các chương trình truyền hình giải đấu bóng đá trong hệ thống do VFF quản lý,nghĩa là giải V-League. Chẳng biết lúc đó VFF đang mơ về nơi xa hay do mãnh lực Bồ Lý Mê Hương quá mạnh mà thò tay ký phát 20 năm. Có nghĩa là AVG được quyền sản xuất chương trình và các nhà đài từ VTV,VTC hay tới các đài tỉnh,khu vực muốn lên sóng phải xếp hàng trước cổng nhà AVG trong 20 năm tới,thời gian đủ để Việt Nam chúng ta,căn bản thành một nước siêu công nghiệp (vì năm 2020 là căn bản trở thành nước công nghiệp rùi).Ngay từ lúc đó báo chí đã ỉ ôi về việc này,vì có khả năng là VTV chịu hổng nổi cái giá mà AVG đưa ra,thành thử vô số dân đen xưa nay vẫn xem truyền hình miễn phí có nguy cơ đói bóng đá nhà mình.



Thế nhưng sau khi VPF thành lập để ra giải Super League (cái này to à,Super chứ không cần V,J gì ráo) ,trong điều lệ do Tổng Giám đốc Phạm Ngọc Viễn ký nêu rõ: "Bản quyền truyền hình các trận đấu thuộc về VPF.Chỉ có VPF mới có quyền thương thảo và ký kết các hợp đồng bản quyền truyền hình…”.Vậy là phủi tay với AVG.
Nỗi niềm này là do trước đó,VFF khi trao quyền tổ chức lẫn khai thác thương mại cho kẻ thừa kế vĩ đại (giống Kim Jong – un quá) là VPF đã quên đi yếu tố bắt buộc là VPF cũng phải thừa kế tất cả những gì mà VFF đã ký kết với đối tác.Có nghĩa là ông cho người ta cái mà hiện tại không còn là sở hữu của ông.Quá chuyên nghiệp.



Vậy nên khi ông bầu Kiên đại diện VPF ngày qua thảo công văn cho phép VTV được phép truyền hình trực tiếp các trận đấu thuộc giải Super – League,bất chấp bản hợp đồng giấy trắng mực đen giữa VFF và AVG đã thể hiện tính chuyên chính,trấn áp ngay sự chống đối của AVG .Alê hấp,thực hiện đi,không lằng nhằng.Ai cãi,bắn bỏ.Sức mạnh chuyên chính này xuất phát từ đâu?Từ tiền,từ quyền,từ thế hay từ sự ngang nhiên coi thường các quy định của hợp đồng dân sự,nền tảng của kinh tế thị trường?
Ông bố nghiệp dư đẻ ra đứa con chuyên chính để điều hành một giải chuyên nghiệp.Khó khăn thay.
Hèn gì mình hay thấy các đồng chí cán bộ xã,thôn nhảy chồm chồm phát biểu trong các buổi họp dân mà ít khi thấy họ ngồi xuống ghế để nói chuyện phải quấy.Hoan hô các đồng chí xã thôn.Có các đồng chí điều hành,tôi yên tâm.

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

TRIỀU TIÊN - CAO LY


Chosun Bando hay Han Bando

Lâu nay chúng ta vẫn thường gọi Bắc Triều Tiên – Nam Triều Tiên hay như trước năm 1975 ở miền Nam gọi là Nam Hàn – Bắc Hàn.Cả hai cặp đó đều sai về ngữ nghĩa cũng như nguyên tắc ngoại giao.

Chúng ta đã biết,bán đảo Triều Tiên ( Chosun Bando theo cách gọi của quốc gia phía bắc Bàn Môn Điếm) hoặc bán đảo Hàn (Han Bando theo cách gọi của quốc gia phía nam Bàn Môn Điếm) trở thành Vương quốc Cao Ly (Goryeo hay Koryo nay là Korea) sau khi tướng quân Vương Kiến thống nhất các tiểu quốc trên bán đảo này để mở ra Vương triều Cao Ly (Korea) từ năm 918,đóng đô ở Khai Thành (Kaesong) ở phía bắc với quốc hiệu là Cao Ly .Năm 1392 tướng quân Lý Thành Quế lật đổ Vương triều Cao Ly,lập ra Vương triều Triều Tiên (Chosun) đóng đô ở Hán Thành (Hanyang) ở phía nam với quốc hiệu là Triều Tiên.Từ năm 1897 -1910,quốc hiệu Triều Tiên đổi thành Đại Hàn Đế Quốc (Daehan Jeguk).

Sau khi bị Nhật Bản thôn tính rồi kết thúc đệ nhị Thế chiến,bán đảo này được chia thành hai quốc gia,lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới.

Quốc gia phía bắc lấy tên là Chosŏn Minjujuŭi Inmin Konghwaguk dịch ra là Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên nhưng tên tiếng Anh lại là Democratic People's Republic of Korea .Phiên ngược trở lại là Cộng hòa Dân Chủ Nhân Dân Cao Ly.Tên quốc gia này hàm ý Vương Triều thống nhất đầu tiên của bán đảo này là Vương Triều Cao Ly (Korea) đóng đô ở Kaesong (Khai Thành) phía bắc.




Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên


Quốc gia phía nam lấy tên là Daehan Minguk tức là Đại Hàn Dân Quốc.Tiếng Anh là Republic of Korea phiên ngược trở lại là Cộng hòa Cao Ly.Tên Đại Hàn Dân Quốc hay là Hàn Quốc biểu thị sự tiếp nối của Daehan Jeguk đóng đô ở Hanyang (Hán Thành) phía nam.




Đại Hàn Dân Quốc

Vậy không lý gì chúng ta dùng chữ Bắc Triều Tiên khi không có quốc gia Nam Triều Tiên.Chỉ có thể dùng chung hai từ Cao Ly (quốc hiệu tiếng Anh) nên có thể gọi là Bắc Cao Ly và Nam Cao Ly.Và chúng ta cũng không thể dùng chữ Nam Hàn khi không có nước Bắc Hàn .Đó là về ngữ nghĩa.Còn về nguyên tắc ngoại giao,có nước Triều Tiên thì nước Nam Triều Tiên cảm thấy bị tủi thân vì lệ thuộc,và ngược lại có nước Hàn Quốc thì quốc gia bị gọi là Bắc Hàn cảm thấy bực mình.

Vậy tốt nhất cho gọn cứ gọi là Bắc Cao Ly và Nam Cao Ly để mong đi đến sự thống nhất sau này.Còn không thì phía bắc gọi là Triều Tiên ,phía nam gọi là Hàn Quốc cho nó tiện.

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

BÌNH LỰNG MƯỜI SỰ KIỆN NỔI BẬT NĂM 2011 CỦA VIỆT NAM+

BS HUY - Nhận thấy VNplus "ăn theo" mình đưa ra 10 sự kiện nổi bật năm 2011,mình bèn so sánh thử với 10 cái tiêu biểu của mình nên vác về kèm bình lựng tí. Chữ in nghiêng là phần bình của mình.

VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam trong năm 2011 do Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) bình chọn.

1. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI diễn ra từ ngày 12 đến 19/1, tại Hà Nội, thông qua các văn kiện có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của đất nước, trong đó có Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020.Ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 175 thành viên.(cái này giống của mình,nhưng chẳng thấy có gì nổi bật cả.Đại hội thì cứ 5 năm/lần,mà cương lĩnh nào,nghị quyết nào chả được thông qua,đại hội nào chả thành công tốt đẹp.Có điều những cái nghị quyết ấy,cương lĩnh ấy được thực hiện hay không mới là điều đáng nói.Có chi mà nổi bật.)

2. Bầu cử quy mô lớn nhất từ trước đến nay: Ngày 22/5, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp trong cùng một ngày. Thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 là một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.(Thì bầu cùng một ngày cho đỡ tốn công tốn của,có gì mà nổi bật.Cái nổi bật là có nghị sĩ rau muống,nghị sĩ dân trí thấp,nghị sĩ hổng hiểu sao lại ra luật cũng được bầu thì lại hổng đưa ra)

3. Việt Nam và Trung Quốc thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển: Ngày 11/10, tại Bắc Kinh, Việt Nam và Trung Quốc ký Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, xác định các nguyên tắc định hướng cho việc giải quyết các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và tính đến lợi ích của các bên liên quan.Trước đó, trong tháng Năm và tháng Sáu năm 2011, Trung Quốc có một số hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.(Chẳng biết thỏa thuận được cái gì mà thằng Hoàn Cầu nay đòi đấm,mai đòi đá,nổi bật chỗ nào so với trước đó)

4. Kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu kinh tế: Với việc thực hiện các quyết sách của Đảng và Nhà nước - ưu tiên hàng đầu cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, Việt Nam kiểm soát lạm phát ở mức 18,12% năm 2011, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm ước đạt 5,8%.Tại Hội nghị lần thứ ba diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 6 đến 10/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI quyết định tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.(Ơ,lạm phát lên đến hàng quán quân thế giới mà cũng nhờ kiềm chế a?Nếu không kiềm chế thì nó lên nữa a?May chứ hắn lên 100% cũng nhờ kiềm chế a?Chẳng thấy nổi bật cái kiềm chế tẹo nào)

5. Chiến dịch đưa hơn 10.000 lao động từ Libya về nước: Trước bất ổn chính trị ở Libya, từ 23/2 đến ngày 4/4, Việt Nam đã đưa hơn 10.000 lao động từ Libya về nước an toàn. Phần lớn lao động trở về thông qua cầu hàng không qui mô lớn nhất từ trước đến nay.(Thì mình gửi họ qua đó bốc vác kiếm ngoại tệ đem về thì đến lúc bom đạn nổ uỳnh uỳnh phải cõng họ chạy chớ chẳng lẽ bỏ đó?Việc đó là việc phải làm có chi mà nổi bật?)

6. Đưa vào hoạt động hầm vượt sông đầu tiên: Ngày 20/11, hầm Thủ Thiêm - công trình ngầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam và hiện đại nhất Đông Nam Á có chiều dài 1,49km, rộng 33m, cao 9m, với 6 làn xe - và toàn bộ Đại lộ Đông-Tây được chính thức thông xe, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.(Thì đường hầm mần xong phải đưa vào sử dụng chứ chẳng lẽ bỏ đó,có chi mà nổi bật?Còn cái việc nó có góp phần thúc đẩy cái gì đó hay không thì còn phải đợi.Có khi nó xuống cấp nhanh chóng rồi tu sửa chết cha thành quả đấm thép như Vinashin đấm vào nền kinh tế nước nhà thì toi)

7. Di sản Thành nhà Hồ và Hát Xoan được UNESCO tôn vinh: Ngày 27/6, tại Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận di tích Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) là Di sản Văn hóa thế giới.Tiếp đó, ngày 24/11, tại Bali (Indonesia), UNESCO thông qua quyết định ghi nhận Hát Xoan (Phú Thọ) là Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới cần bảo vệ khẩn cấp. Như vậy, đến nay Việt Nam có 16 di sản được UNESCO công nhận, ghi danh.(Cái thành nhà Hồ hay Hát Xoan gì đó đâu có rầm rầm nhắn tin huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc như vụ Vịnh Hạ Long với New7Wonder đâu mà nổi bật)

8. Việt Nam đạt thành tích cao tại SEA Games 26: Tại SEA Games 26 tổ chức ở Indonesia, đoàn thể thao Việt Nam giành 288 huy chương; trong đó có 96 huy chương vàng, xếp thứ 3 chung cuộc. Tuy nhiên, đội tuyển bóng đá nam U23 Việt Nam không giành được huy chương tại giải đấu này, gây thất vọng lớn cho người hâm mộ.(Ơ,đã có Seagames ta đứng đầu bảng tổng sắp,nay đứng hạng 3 có chi mà nổi bật?)

9. Dịch bệnh tay chân miệng lan rộng: năm 2011, bệnh tay chân miệng lan rộng tại tất cả 63 tỉnh, thành cả nước với trên 90.000 ca mắc, hơn 150 người tử vong, phần lớn là trẻ em, tăng cao so với năm 2010, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân và gây lo ngại trong xã hội.(Ơ,cái tay chân miệng này có thành dịch đâu mà tràn lan,ảnh hưởng chi tới đời sống sinh hoạt của người dân,gây lo ngại trong xã hội?Nếu có vậy Bộ Y tế đã công bố dịch rồi chớ.Hổng sợ Bộ cằn nhằn a?)

10. Lũ lụt nghiêm trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long: Do tác động của biến đổi khí hậu, từ tháng 10 đến đầu tháng 11/2011, tại Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra đợt lũ lớn nhất trong một thập kỷ qua, làm 85 người chết, tổng thiệt hại vật chất lên tới trên 4.000 tỷ đồng (Ơ,lũ lụt thì năm nào chẳng có mà nổi bật,85 người chết so với 334 người dân tỉnh Đồng Nai chết do tai nạn giao thông có nhằm nhè gì?)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Túm lại,mình thấy 10 cái này chẳng có gì nổi bật hết.Hehe.

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

VIỆT NAM - 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG NĂM 2011.

1.Đại hội Đảng Cộng sản Việt nam khóa XI khai mạc sau hội nghị Trung ương 14 rưỡi chỉ hai ngày.Kết quả không gì bất ngờ với giới quan sát,ngoài việc ông Trưởng ban Tổ chức BCH TW khóa X đã không được tái đắc cử vào BCH Trung ương khóa XI.
2.Phó thủ tướng chính phủ Nguyễn Sinh Hùng trong bản báo cáo trước Quốc hội khóa 13 rằng Bộ Chính trị đã quyết định không xử lý kỷ luật đối với các thành viên Chính phủ trong vụ Vinashin, trước khi cơ quan quyền lực tối cao này kịp có ý kiến chất vấn Chính phủ.
3.Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ "tiếp tục ở lại" dự phiên tòa trước sự bỏ về của nhóm luật sư phản đối HĐXX không công bố các chứng cứ buộc tội.Phiên tòa công khai trong hàng rào an ninh đã khép lại với 7 năm tù cho người con trai của cố thi sĩ,Bộ trưởng Cù Huy Cận.
4.Vụ việc tàu Hải Giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh,Viking II đang hoạt động trong lãnh hải Việt nam đã thổi bùng làn sóng biểu tình chủ nhật lần đầu tiên ở Việt nam kéo dài hơn hai tháng.Nhiều hình ảnh không đẹp của lực lượng an ninh đã bị giới blogger đưa lên mạng cho thấy chính quyền đã không tôn trọng quyền con người.
5.Các nhân sĩ trí thức Việt trong và ngoài nước liên tục gửi kiến nghị kêu gọi Đảng CSVN thực hiện các thay đổi mạnh mẽ nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, đẩy lùi mọi tệ nạn tham nhũng và tha hóa, đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng yếu kém và lệ thuộc hiện nay, chuyển sang thời kỳ phát triển bền vững, đưa dân tộc ta đồng hành với cả nhân loại tiến bộ vì hòa bình, tự do dân chủ, quyền con người, bảo vệ môi trường.
6.Vịnh Hạ Long lọt vào top 10 trong cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới do tổ chức New7Wonders,một tổ chức tư nhân không được sự chấp nhận của UNESCO.Cuộc bầu chọn diễn ra có sự tham gia từ Phó Thủ tướng,Bộ Trưởng VHTTDL tới em bé 5 tháng trong sự mềm mại mũm mĩm của Lý Nhã Kỳ và sự hăm he đe dọa cho nghỉ việc của chúa đảo Tuần Châu.Có người lấy tiền tổ chức sinh nhật của con gái để mua card bấm tin nhắn,hi vọng đạt được con số trúng thưởng 10 triệu tin của tỉnh Quảng Ninh đưa ra.
7.Bộ Tài chính phủ quyết kết quả kiểm toán của Deloitte khi công nhận rằng thực sự Petrolimex đang lỗ 1840 tỉ trong 6 tháng đầu năm.Báo cáo trước đó của Deloitte cho thấy liên tục 3 năm Petrolimex lãi hơn 4200 tỉ.Xăng dầu thật sự là một thứ nhiên liệu không thích đùa với bất cứ ai muốn đùa với nó.
8.Bộ GTVT quyết định đầu tư 7.650 tỉ để khởi công cải tạo nâng cấp quốc lộ 20 phục vụ việc chở quặng bauxite đi cảng Kê Gà.Bài toán bauxite hay chính xác hơn là bài toán về người ăn ốc và người đổ vỏ đã có lời giải.
9.Lạm phát năm 2011 của Việt nam đã được chốt lại ở mức 18,6% đoạt danh hiệu quán quân thế giới về thể loại này.Để có thành tích này,các ngành điện,xăng dầu,hàng không…đã cật lực làm việc suốt ngày đêm góp phần đẩy giá cả từ áp thấp thành bão xa rồi bão gần.
10.Sự kiện cuối cùng khép lại một năm đầy phấn khích nằm ở bộ Ngoại giao.Chính phủ Trung quốc đã "cực lực phản đối" sáng kiến của Bộ Ngoại giao Việt nam gắn thêm một ngôi sao vào lá Quốc kỳ của họ trong dịp đón mừng Phó Chủ tịch nước CHDCND Trung hoa sang thăm. Nguyên tắc tối thiểu của ngành ngoại giao là một khi khách không thích thì chủ nhà không nên nài ép.

BỒ TÁT CẦM SÚNG.



Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát ở xã Đại Cường,Đại Lộc,Quảng Nam đã được chế lại cho hợp với nhu cầu thời đại ra rứa đó

Trong Kinh Phổ Môn có đoạn:

…Cần Đồng Nam, Đồng Nữ
Mới độ được người ấy
Liền hiện thân Đồng Nam
Và hiện thân Đồng Nữ
Vì người đó nói Pháp.
Nên dùng thân Trời Rồng
Dạ Xoa, Càn Thát Bà
Tu-La, Ca Lâu Na
Và thân Khẩn Na La
Thân Ma hầu La Già
Nhân cùng với phi nhân
Mới độ được người ấy
Đều hiện các thân kia
Vì người đó nói Pháp.
Và nên dùng thân Thần
Đại Tướng Chấp Kim Cương
Mới độ được người ấy
Liền hiện thân Kim cương
Vì người đó nói Pháp.
Này Ông Vô Tận Ý
Bồ Tát Quán Thế Âm
Thành tựu các công đức
Đầy đủ là như thế
Ngài dùng mọi thân hình
Dạo đi khắp các nước
Để độ thoát chúng sanh…


Vì các o du kích muốn cầu Pháp nên Quán Thế Âm Bồ tát ở xã Đại Cường huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam mới hóa thân thành o du kích cầm súng chăng?
Mà thời nay làm gì còn o du kích để cầu Pháp?Hay điềm báo trước đất nước này lại sắp có nhiều chị Út Tịch nữa chăng?
Chẳng biết,chuyện huyền bí cõi trên.Thôi cứ treo đại lá cờ sáu sao cho chắc ăn,đỡ đánh nhau lằng nhằng.Hehe

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

DON'T CRY FOR ME,KOREA.


Đừng khóc cho tôi,hỡi nhân dân Triều Tiên.
Như các bạn thấy đấy, phựt một phát,sợi dây nối liền tôi với sự sống giữa đất nước Triều Tiên vĩ đại được khai sinh bởi một người cầm lái vĩ đại rồi được tiếp tục dẫn dắt bởi một lãnh tụ thiên tài của các thiên tài đã rời bỏ tôi, đưa tôi đi gặp một kẻ điên rồ vừa đổi hộ khẩu trước tôi hai tháng. Tôi không muốn gặp gã chút nào,vì tôi là một thiên tài,còn gã,một kẻ điên rồ tệ hại. Làm sao sự điên rồ có thể sống chung với một bậc thiên tài,hình như có sự nhầm lẫn gì ở đây.
Hẳn các bạn muồn biết kẻ share căn hộ với tôi hiện nay là ai phải không? Thì đấy,gã ta là Gaddafi,vua của các vua Châu Phi, cách nay hai tháng đã bị fire trong ống cống. Thật không còn điều gì khiến tôi khinh bỉ hơn.Chẳng ai khóc cho gã cả,trừ vợ con gã. Còn tôi,những ngày qua,những giọt nước mắt của các bạn đã khiến tôi hoảng sợ mà e rằng nếu cái đà này tiếp tục,Bình Nhưỡng yêu quý của chúng ta sẽ rơi vào tình trạng lụt lội tệ hại nhất từ trước đến giờ,như Băng Cốc mấy tháng qua.
Nhưng đừng khóc cho tôi,hỡi các bạn yêu quý. Những ngày qua,ban giám thị trại đã đưa cho tôi một bản cáo trạng mà qua đó, tôi đã nhận thức rõ việc tôi đã làm.Tôi nhận ra rằng,tôi cũng như cha tôi, là những tay phi công tồi tệ,thay vì đưa các bạn đi về hướng thiên đường như đã hứa, chúng tôi đã lộn hướng tới 180 độ.
Nhưng điều tồi tệ nhất chưa xảy ra đâu.Đừng khóc cho tôi, hỡi nhân dân Triều tiên yêu quý,mà hãy khóc cho các bạn. Vì sắp tới,các bạn sẽ đi trên một chuyến bay do một viên phi công chưa hề biết lái máy bay.
Dù sao,dưới sự cầm lái của tôi, chú Ỉn, các bạn cũng còn có một đích đến đang chờ.Còn với cu Ủn,các bạn sẽ hoàn toàn không biết đi đâu, vì chính cu Ủn cũng không biết phải làm gì với chiếc máy bay ấy.
Vậy xin một lần nữa,tôi khuyên các bạn, đừng khóc cho tôi,mà hãy chuẩn bị tinh thần để khóc cho các bạn.
Nhưng biết đâu đấy,một tay không biết lái, biết đâu, một chú ruồi bay vào hốc miệng,hên xui sẽ đưa các bạn đến đúng nơi các bạn mong chờ. Lúc đó các bạn sẽ cười vui như chưa bao giờ được cười như thế.
Vậy thì hãy dừng cái trò khóc lóc này lại. Vì thú thực rằng,nó cứ làm tôi phân tâm trong việc tranh cãi với Gaddafi, về việc ai mới xứng đáng là thiên tài của các thiên tài, là vua của các vua…Đấy, gã lại lò dò tới,lần này,tệ hơn,lại dẫn theo ,hình như là gã Saddam nữa,với gương mặt câng câng đáng ghét.Oh la la,còn nhiều gã đi sau hắn ta,gã nào cũng hoa tay múa chân. Tôi phải chuẩn bị cãi nhau đã…Chà chà,lần nầy thực sự là một cuộc đại chiến.Để đấy tôi...Chào các bạn.

Kim Jong-il (gửi từ vực sâu tăm tối)

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

HỘI CHỨNG CHÁU BÁC NHANH.



Hồi nhỏ,về nhà ông nội chơi,một làng quê nhỏ kẹp sát quốc lộ 1A chạy dọc duyên hải miền Trung nghèo khó.Những tối ngồi nghe ông nội và các chú các bác nói chuyện người này người nọ thành đạt hay thất bại,câu đầu tiên thường được các bậc trưởng thượng hỏi là: “Thằng đó (con đó) con ai?” cứ như là nguyên nhân của những thành công (hay thất bại) đó chính là do người sinh thành ra thằng đó (hay con đó) tạo nên vậy.
Lớn lên,đi học,rồi đi làm.Ở nhà thành thị,chẳng ai quan tâm đến thằng đó (hay con đó) con ai,mà chỉ hỏi nó làm cái gì,làm có ra giống gì không?Vì thị dân như tứ chiếng đổ về,biết con ai để làm gì,và biết cũng có ích gì?
Thế nhưng vào cơ quan thì hội chứng con ai lại lù lù hiện ra.Đó là hồ sơ công chức,viên chức.Cáu thật.Mình làm không biết bao nhiêu cái hồ sơ công chức rồi.Mà không biết tổ chức cần cái thứ ấy làm gì mà cứ vài năm đã thấy bảo nộp.Mấy lần trước nộp chắc ra chợ gói xôi hay chùi đ…hết rồi hay sao?
Nhưng không ngán chuyện ngồi lọ mọ sao lại hồ sơ hay đi chứng thực.Chỉ ngán lần nào cũng như lần nào,tên họ ông nội,bà nội,ông ngoại bà ngoại rồi cha mẹ chú bác cô dì cháu chắt chút chít chằng chịt sinh ra khi nào,ở đâu,làm gì cho ta,cho địch…Nếu có vợ là thêm khoản đằng ấy nữa.Cáu thật.Mình cự với mấy ông tổ chức,tôi là viên chức,có bằng cấp hẳn hoi (không phải bằng mua), tôi làm việc lãnh lương tùy năng lực của tôi,đâu có liên quan gì tới ông nội bà nội hay cô dì chú bác tôi mà cứ hỏi hoài vậy?Câu hỏi của mình rơi vào bụi tre.
E – mail hỏi thằng bạn đang đi làm bên Mỹ.Nó nói ở bển tụi khoai Tây nó cóc cần biết mày con ông nào,có là con của chủ tịch Cục dự trữ liên bang cũng thế, mày có làm ra đồng điếu nào cho công ty tao hay có đủ năng lực làm cho Service của tao để dân không ngầy ngà là đủ.
Chẳng biết cấp trên cứ đòi biết tên ông ngoại vợ mình làm cái gì?Chỉ biết có vài ông được lặng lẽ giếm đi,vì hồi đó lỡ đi lính.Và may mắn có ông hồi đó đi dân công lập tức được đưa lên hàng hot như Hồ Ngọc Hà ngay,trưng hàng mẫu nha.
Tốt khoe xấu che từ trong lý lịch.
Nên thời gian gần đây,hội chứng cháu bác Nhanh (Trung tướng,GĐ CA Hà Nội) đang xuất hiện ở Hà Nội (không biết ở Sài Gòn có cháu bác Dũng không).Chạy xe lạng lách,vi phạm luật giao thông đã không cúi đầu nhận tội mà còn giở bác Nhanh ra hù dọa.
Vì sao thế nhỉ?Chắc có hai nguyên nhân.Thứ nhất là não trạng thằng đó con ai của lũy tre làng, thứ hai là sự hau háu muốn biết tên ông nội công dân của chủ nghĩa lý lịch.
Vì sao hội chứng đó lây lan?Vì người vi phạm biết rằng ở xã hội dân chủ gấp vạn lần xứ giãy chết này,có nhiều thứ còn đứng cao hơn pháp luật.Một trong những thứ ấy,là chú Ba,chú Tư gì đó tuy không đẻ ra pháp luật,nhưng có thể bẻ cong pháp luật.
Vậy hội chứng cháu bác Nhanh này có những triệu chứng gì?Đó là triệu chứng tự ti,thấy ai có súng,thậm chí không có súng nhưng có đạn là sợ (cứ sợ cái đã,còn tại sao sợ và sợ cái gì tính sau).Thứ hai là triệu chứng coi thường pháp luật (chả là con mịa gì nếu đã có chú Ba,chú Tư,hoặc là mê dược Bồ Lý Mê hương - Polymer)
Hội chứng này điều trị cách nào?
Chắc không có thuốc trị.Nhưng có cách phòng ngừa.Đó là bỏ ngay thói nghiện con ai,và phải nâng cao thể lực bằng cách tiêm chủng vaccin pháp luật cho mọi công dân,mọi tổ chức,để không một cá nhân nào,một tổ chức nào,đoàn thể nào tự cho mình có quyền đứng trên pháp luật.
Nói vậy chứ khó lắm.Thuốc lá còn khó cai nữa là.

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

TỪ TRANG SÁCH XƯA




Tôi yêu những trang sách xưa.Những trang sách cũ kỹ qua lớp trầm tích thời gian thủ thỉ với tôi phần nào sự thật.Cái sự thật mà ai đó đã cố tình vùi lấp bằng những lệnh đốt sách, bằng những lời bóp méo xuyên tạc.

Thời đi học,tôi chỉ biết Nguyễn Huệ như một vị thần thánh và phong trào Tây Sơn là bữa tiệc của những chiến công chói sáng.Tôi chỉ thấy hình ảnh của những bô lão kinh thành kính cẩn bày hương án với dòng chữ Hậu Lai Kỳ Tô đón chào vị hoàng đế với áo bào sạm đen khói thuốc súng tiến vào Thăng Long. Tôi cũng chỉ biết trước đó thanh niên Nghệ An nô nức tòng quân hưởng ứng lời hiệu triệu quét sạch Ngô cẩu của vị anh hùng áo vải đến nỗi chỉ trong vài ngày đã trưng tập được một vạn quân.

Chỉ khi lần giở những trang sách xưa,tôi mới biết cái nô nức ấy được thực hiện dưới hiệu lệnh của mũi giáo và chó săn.Tôi mới biết rằng người dân Nghệ an nói riêng và Bắc Hà nói chung vẫn còn hướng cái nhìn hồ nghi về viên tướng bách thắng và vị vua tự phong vừa thoát khỏi sự kềm chế của vua anh bằng một cuộc chiến huynh đệ tương tàn.Và chính cái sự hồ nghi đó làm cụ La Sơn Nguyễn Thiếp cố tình trì hoãn việc thiên đô về Nghệ An tướng địa.

Tôi cũng biết được lý do tại sao nhà Tây Sơn nhanh chóng đi vào lụn bại chỉ vài năm sau khi hoàng đế Quang Trung băng hà.Tôi biết được rằng Gia Long hoàn toàn không phải mang cái án cõng rắn cắn gà nhà…như có ai đó cố tình gán ghép.Thực tế quan hệ giữa các chúa Nguyễn và triều đình Xiêm nó phức tạp hơn ta tưởng.Về dã tâm của Chất Tri còn là một dấu hỏi,tuy nhiên việc các triều đình phong kiến hỗ trợ nhau chống nội loạn là điều khả dĩ xảy ra,như vụ Phùng Tử Tài kéo quân sang ta diệt giặc Cờ giữa thế kỷ 19. Hoặc các chúa Nguyễn giúp Cao Miên ổn định ngôi vương trước đó.Và lòng dân quyết định hết thảy,mắt dân là mắt trời.Nếu quả thực Nguyễn Ánh rước voi giày mả tổ thì làm sao lòng dân lục tỉnh vẫn hướng về,vẫn bảo bọc vị chúa của họ trong những ngày bôn tẩu mà ngày nay được thần hóa qua chuyện kỳ đà,rái cá cứu chúa.Và nếu không có sự ủng hộ hết mình của dân,liệu Nguyễn Ánh có gầy dựng được một căn cứ vững mạnh từ hai bàn tay không để rồi từ đó làm bàn đạp tấn công ra Bắc thu phục lại giang sơn,làm một cuộc nhất thống vĩ đại nhất trong lịch sử nước nhà.Trong khi đó cũng chính dân Bắc Hà lại tố giác cho quân Nguyễn bắt sống vua tôi Cảnh Thịnh.Tại sao họ lại làm vậy với một vương triều có công cứu họ ra khỏi sự đô hộ của giặc Thanh,nếu không phải do những chính sách hà khắc của Tây Sơn, như vơ vét tượng Phật để đúc súng,đúc tiền…rồi phép trưng binh từ 15 tuổi tới 60 tuổi làm kiệt sức dân.Để rồi tôi rút thêm một minh chứng xưa như trái đất: Rằng một chính thể mất lòng dân trước sau gì cũng bị loại trừ khỏi vũ đài lịch sử,dù chính thể ấy có lấp lánh bao vầng hào quang của những võ công huyền thoại.

Cũng những trang sách xưa đưa tôi về những ngày đầu chập chững của văn chương quốc ngữ mà trong tôi dấy lên một niềm biết ơn vô hạn đối với những người khởi xướng tạp chí Nam Phong,mà cốt cán vẫn là cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh.Từ những câu văn lê thê dây muống của cụ Trương Vĩnh Ký,cụ Nguyễn Trọng Quản,tới Nam Phong tôi mới được tắm mình trong cái ngôn ngữ Việt gần gũi với thế hệ mình.Nhưng cái tinh thần của cụ Thượng Chi mới đáng khâm phục như trong lời mở đầu : “…Cái mục đích của bản báo là muốn gây một nền học mới để thay vào cái nho học cũ,cùng đề xướng lên một cái tư trào mới hợp với thời thế cùng trình độ dân ta.Cái tính cách của sự học vấn mới cùng cái tư trào mới ấy là tổ thuật cái học vấn tư tưởng Thái Tây,nhất là của nước Đại Pháp mà không quên cái quốc túy trong nước…”


Như vậy,con đường khai dân trí,chấn dân khí,hậu dân sinh tự lực tự cường trước hết về mặt văn hóa tư tưởng rồi khoa học kỹ thuật tiến lên giành độc lập đã có thủy tổ từ Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ, được Phan Tây Hồ khuếch dương quang đại rồi qua đến Nguyễn Văn Vĩnh,Phạm Quỳnh đã tập đại thành.

Yêu nước có nhiều cách khác nhau.Cứu nước cũng như cứu hỏa,có kẻ liều mạng xông vào đám cháy kéo được gì thì kéo.Có khi mất mạng.Có người xem xét cái nguyên nhân cháy mà tìm chỗ dập cho đích đáng.Có người lo phòng không cho cháy lan san nhà khác.Không thể thấy người không xông vào lửa mà cho là họ bàng quan thế sự…
Nước mất,không trực tiếp cầm súng ra chiến trường thì cầm bút.Cây bút ấy có thể dệt nên những Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc,cũng có thể vì dân trí nước mình mà dựng nên một cuộc Nam Phong.Vấn đề là cái Tâm để xướng xuất và cái Dũng để đi hết con đường mình lựa chọn.

Tôi quý trọng giọt mực của cụ Phạm Thượng Chi cũng ngang bằng,thậm chí có khi còn hơn quả tạc đạn của Liệt sĩ Phạm Hồng Thái,nếu xét về tầm ảnh hưởng lâu dài cho đất nước,cho dân tộc.

Xem trang sách cũ,càng thẩm đượm cái tình,cái tâm của bao bậc tiền nhân đã dồn bao tinh huyết cho nòi giống nhà,mà tiếc thay,nhiều khi chưa được hậu sinh đánh giá đúng. Nhưng có hề chi,một khi dân tộc này vẫn còn kẻ đọc sách,hàng ngày bên cảo thơm lần giở…Sương mù có bao giờ giăng phủ mãi được đâu?

Tịnh Tâm Đường – Ngày 11/12/2011

Gã Mọt Sách

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

TÁN TỈNH DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA BÍ THƯ.

NGUYỄN QUANG VINH

Bây giờ thì đôi trái gái ngày xưa ấy đã đầu bạc mà răng chưa long: đó là cặp vợ chồng nhạc sỹ Quách Mộng Lân và Nguyễn Thị Gái.

Một hôm, anh Lân kể với Cu chuyện anh lấy chị Gái, nghe mê.

Hồi trẻ, hai anh chị là diễn viên Đoàn văn công Quảng Bình ( thời những năm đầu kháng chiến chống Mỹ ở miền Bắc)

Sau những lần liếc qua liếc về, ném thư, ném tiếng, để bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh quy định, anh Lân gặp Bí thư chi bộ đoàn văn công báo cáo, thưa chú, em và Gái đã tình ý với nhau, đã có duyên nhau, rất có khả năng có thể yêu nhau được, đề nghị chú tạo điều kiện giúp đỡ. Ông Bí thư chi bộ đoàn văn công trễ cặp kính, nhìn Lân, lại nheo nheo mắt, lại đằng hắng rồi nói: Tối nay. Lân dạ. Tại hầm sinh hoạt của đoàn. Lân dạ. Quần áo chỉnh tề. Lân dạ.

Đây là lần đầu tiên Quách Mộng Lân ngồi bên Nguyễn Thị Gái, quá đẹp đôi.

Ngồi ở giữa họ là đồng chí Bí thư chi bộ.

Giữa ba người là ngọn đèn dầu.

Bên ngoài cửa hầm, mấy em diễn viên cả nam và nữ thì bổ chồm lên nhau rình nghe cuộc tán tỉnh nhau chính thức dưới sự lãnh đạo của đảng chi bộ mình.

Đồng chí Bí thư chi bộ hỏi Lân:

-Đồng chí Lân có nhu cầu muốn tìm hiểu để yêu đồng chí Gái, đúng không?

Đồng chí Lân gật đầu:

-Dạ đúng.

Đồng chí Bí thư chi bộ hỏi Gái:

-Đồng chí Gái có nhu cầu muốn tìm hiểu để yêu đồng chí Lân, đúng không?

Đồng chí Gái:

-Dạ đúng.

Bí thư chi bộ gật đầu:

-Vậy các đồng chí tán tỉnh, tìm hiểu nhau đi.

Lân và Gái ngơ ngác nhìn nhau. Tán tỉnh nhau cái chi mà có cả Bí thư chi bộ ngồi canh chừng?

Họ nhìn nhau im lặng.

Bí thư chi bộ sốt ruột:

-Tâm sự đi chứ? Im lặng thế khi nào mới thành vợ chồng?

Anh Lân mạnh dạn đề xuất:

-Dạ…Em có ý kiến…đồng chí Bí thư chi bộ ra ngoài cho bọn em tự do tâm sự được không ạ?

Bí thư chi bộ nghiêm mặt:

-Không được…Các đồng chí đều là đoàn viên, phải hiểu rõ vai trò lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của đảng chứ? Hiểu chứ?

Ngồi một lúc, đồng chí bí thư thấy hai người vẫn im lặng thì mệt quá, ngủ gật.

Dù đang lãnh đạo mà Bí thư cũng ngủ gật.

Vậy là thừa cơ lúc sự lãnh đạo ngủ gật, Lân vòng tay qua lưng ông bí thư véo Gái cái. Gái lại vòng tay sau lưng ông bí thư véo Lân cái. Véo qua véo về 5 cái như thế là xong cuộc tâm sự công khai, minh bạch trước sự chứng kiến và lãnh đạo của bí thư chi bộ.

Chui lên hầm, chị Gái bị các cô diễn viên kéo về góc trái hỏi răng rồi, răng rồi, anh Lân hun mi chưa? Gái cười nói, hun răng được, chỉ véo nhau thôi, có bí thư chi bộ mần răng hun được. Anh Lân cũng bị các diễn viên nam kéo về góc phải hầm hỏi, răng rồi, răng rồi, đã bóp được vú của Gái chưa? Anh Lân nói, bóp răng được, bí thư chi bộ không cho bóp.

Chuyện này thật nha.

Người viết và nhân vật còn nhăn răng cả đấy nha, không nói phét được nha.

Vì có bí thư chi bộ lãnh đạo, nên Lân và Gái sau đó cưới nhau, thành vợ thành chồng cho tới hôm nay.

Vì thế, hồi anh Lân làm trưởng đoàn văn công, luôn treo câu khẩu hiệu này: Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Giờ con trai anh ấy nối gót cha lên trưởng đoàn, câu khẩu hiệu ấy không còn nữa mà thay vào cái bảng chữ nhắc nhở: Vào phòng trưởng đoàn nhớ gõ cửa.

Nguồn:Quechoa.info

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

ÔNG TỔ NGÀNH MARKETING DU LỊCH VIỆT NAM



Trạng Quỳnh đãi vua.

Ngành du lịch chúng ta thờ ông tổ nghề marketing là ông Trạng Quỳnh.Ý hẳn các bác có thể băn khoăn mà tự hỏi,cái ông Ba Phi đời đầu,ông Đông Phương Sóc cú áp chót ấy thì liên quan gì đến nghề du lịch mà bảo.Có đấy.
Chuyện rằng năm đó,trên quãng sông nào đấy,trạng ta ngày ngày sang đò (có thể đi học lớp bổ túc,cũng có thể đi tán tỉnh bà Điểm,ai biết được mục đích thật sự của những ông sẽ được phong chức Trạng nay mai),chỉ biết là Trạng có đi đò,và tất nhiên,một người như Trạng không thể làm một cái việc rất chi là đời thường,là trả ba xu tiền đò.Trạng,như bao ông trạng nhan nhản đời nay (nhiều nhất là khu vực Ba Đình),trạng hứa sẽ trả và nhận trách nhiệm về lời hứa đó.Ngày qua ngày lại qua ngày lá xanh nhuộm đã thành ...cây vàng lá,trạng mất khả năng chi trả...
Bị Elliot,à quên,bị cô lái đò đòi và dọa kiện ra tòa,Trạng gãi đầu gãi tai và hẹn...lần này thì hẹn đến ngày mỗ...tháng mỗ.
Đến ngày ấy,Trạng dựng một cái chòi giữa sông,và cho lính đi rao khắp nơi rằng trạng sẽ bán thơ (tất nhiên sau này bác Nguyễn Duy cũng đua nóng với Trạng về khoản này)...
Dân ta,tất nhiên là rất mê thơ...Nhà nhà làm thơ,ngành ngành xuất thơ,quát thơ vào tai nhau đến nỗi nhà thơ Tạo buộc ai muốn đọc thơ mình phải nộp phí nhuận nghe để trả tiền nhậu nhưng cuối cùng khuya nào ông Tạo cũng bò lết về nhà mà chưa kịp đọc bài nào...Chả thế mà Quốc hội suýt nữa ban bố Luật nhà thơ...
Dân ta mê thơ,tất nhiên ùn ùn đi xin thơ...Và vì cái chòi ở giữa sông,con đò của cô gái trở nên độc quyền.Và như bao kẻ kinh doanh độc quyền khác,cô luôn luôn...than lỗ,và luôn luôn đề nghị tăng giá vì không thể kéo dài cái sự đau lòng với mức lương 7.3 triệu một tháng...
Sao mình cứ hay lan man thế nhỉ,rõ chán.Đi luôn vào nội dung thơ đi nào.Hôm đó,ai nấy chen lấn vào chòi cũng được nhận một câu:"Ai xem thơ Quỳnh bú c...Quỳnh" gói cẩn thận trên giấy...dó.
Ai nấy tím mặt,và ngượng...mặc dù nhiều kẻ hâm mộ thần tượng đến độ xem chuyện bợ đít liếm gót thần tượng không đến nỗi là nhiệm vụ bất khả thi cũng không thể nuốt trôi quả này được...Thế là họ quyết tâm trở thành kẻ tuyên truyền không công cho Trạng,không,đúng hơn là hầu bao cô lái đò.
Ai hỏi thơ hay thơ dở thế nào họ cũng không nói,chỉ bảo sang đấy sẽ biết...Và thiên hạ ùn ùn...
Và Trạng đã trở thành ông tổ nghề du lịch Việt nam hiện đại như thế đó.
Chỉ biết,ngày nay slogan ngành du lịch Việt nam có câu:"Đến ngay,trước khi chúng tôi phá sạch" cũng hay.

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Ý ÔNG NGHỊ PHƯỚC LÀ...

Ông nghị Phước đăng đàn hùng hồn:...biểu tình xưa nay chỉ để chống chính phủ.Ô,đúng quá,ít khi có ai khi không xuống đường ủng hộ chính phủ cái việc đáng phải làm,trừ phi đất nước lâm nguy,sắp có chiến tranh giữ gìn bờ cõi.
Từ đó ông Phước biểu rằng không nên ban hành Luật biểu tình.Ý ông là chính phủ ta bao giờ cũng sáng suốt,cũng đúng,mọi thứ đã được chính phủ giải quyết ngon lành cành đào rồi.Nên biểu tình chống chính phủ là ...phản động.Thế thôi. Mà phản động thì tất nhiên...cấm.
Nhưng chắc ông cũng thấy (nếu ông không thấy thì đừng mơ làm đặc sứ của Saddam) là những nước cấm biểu tình hiện tại đứng ở đâu trong thế giới văn minh nhé.

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

BÀI VĂN "LẠ"


Thư gửi mẹ.

Mẹ thân yêu của con !

“Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”. Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ ?” .

Mẹ ơi, những lúc ấy mẹ đang giận nên con không dám cãi lại. Nhưng giờ đây con muốn được bày tỏ lòng mình rằng tại sao con lại có những suy nghĩ, hành động kì lạ như vậy. Vâng, tất cả là vì tiền. Chỉ đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền. Cách đây 8 năm bệnh viện đã chuẩn đoán mẹ bị suy thận mãn tính độ 4 (độ cao nhất về suy thận). 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu bần hàn, vì bố mẹ không kiếm được nhiều tiền lại phải dành tiền cho mẹ đi chạy thận. Nhưng bố mẹ vẫn cho con tất cả những gì có thể, và cậu bé học trò như con cứ vô tư đâu biết lo gì.

Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh, cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì … Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép.

Rồi đến khi con học lớp 8, mẹ càng ngày càng yếu và mệt, phải tăng từ 2 lên 3 lần lọc máu/ tuần. Những chỗ chích ven tay của mẹ sưng to như hai quả trứng gà, nhiều hôm máu thấm ướt đẫm cả tấm băng gạc. Do ảnh hưởng từ suy thận mà mẹ còn bị thêm viêm phổi và suy tim. Rồi ông lại bị ốm nặng, bố phải nghỉ việc ở nhà trông ông, nhà mình vì thế càng trở nên túng quẫn, mà càng túng thì càng khổ hơn. Tờ một trăm ngàn hồi ấy là một thứ gì đó xa xỉ với nhà mình. Cũng từ dạo ấy, đầu óc non nớt của con mới dần vỡ lẽ ra rằng tiền bạc chính là mồ hôi, nước mắt, là máu (theo đúng nghĩa đen của nó, vì có tiền mới được chạy thận lọc máu mà) và bao nỗi niềm trăn trở lo lắng của bố và mẹ.

Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn “Mẹ ghét tiền”. Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm. Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ : con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận. Mẹ chạy thận 3 lần mỗi tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt. Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. Tám năm rồi, tám năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi !”.

Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con bỗng nhớ hồi trước, khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa ?”. Mẹ chỉ nói khẽ “cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ”. Con lúc ấy chẳng hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm nghét đồng tiền vì thế.

Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con không ? Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này. Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ …

Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ nhỡ nhà mình không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời này. Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới về?”. Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận an toàn và về nhà, hoặc là …

Con lo sợ hơn khi đọc báo thấy bảo có người không đủ tiền trả phần ít ỏi chỉ là 5% bảo hiểm y tế, tiền thuốc men mà phải về quê “tự điều trị”. Với những bệnh nhân phải chạy thận, như thế đồng nghĩa là nhận bản án tử hình, không còn đường sống. Con bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn BHYT nữa thì sao? Và nếu ông mất thì sao? Chi tiêu hàng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều trông chờ vào tiền lương hưu của ông, mà ông thì đã già quá rồi …

Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khỏe cho mình.

Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung quanh con, dù chưa giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn.

Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe.

Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng. Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng. Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.

Đứa con ngốc nghếch của mẹ

Nguyễn Trung Hiếu

Trên đây là bài văn của học trò Nguyễn Trung Hiếu, hiện là học sinh lớp 11 chuyên lý, trường trường Ams (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam). Bài văn “lạ” trước hết bởi đề bài văn nghị luận cô giao là “Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống”, thay vì trình bày chung các quan điểm thì Hiếu đã lấy ngay câu chuyện thật đang phải trải qua của gia đình mình để nhìn nhận, phân tích vai trò của đồng tiền.

Bài văn của em đã lật tung quan niệm bấy lâu nay của nhiều người coi trường Ams là trường “của con nhà giàu” (!?). Nhìn cách tiêu xài hay xe cộ sử dụng để đến trường của một bộ phận học sinh trường Ams, rất nhiều người cứ nhầm tưởng như thế. Chỉ những thày cô giáo đang công tác ở trường Ams mới hiểu rõ đó là ngộ nhận. Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là nơi quy tụ các học sinh giỏi, còn trong hàng nghìn học sinh đang theo học ở trường cũng có rất nhiều hoàn cảnh, số phận. Và trường hợp em Nguyễn Trung Hiếu là một ví dụ.

Tuy nhiên, bài văn của Hiếu cũng đã gây “sốc” với ngay chính nhiều thày cô đang giảng dạy tại trường bởi hoàn cảnh của gia đình em. Và hơn thế, các thày cô rất khâm phục ý chí nghị lực của cậu học trò nghèo nhưng học giỏi này. Hiếu chưa nằm trong tốp học sinh xuất sắc của trường, nhưng cũng là một học sinh khá thông minh. Năm học vừa qua em đã đoạt giải nhì trong kì thi Olympic vật lí và cuối năm được cô giáo chủ nhiệm nhận xét trong học bạ là học sinh học giỏi đều các môn học.

Đến thăm gia đình em mới thấy hoàn cảnh gia đình quả rất khó khăn. Mẹ Hiếu (chị Nguyễn Thị Hạnh) bị suy thận mãn tính nặng phải chạy thận đã 8 năm. Bố Hiếu (anh Nguyễn Xuân Sơn) sức khỏe kém, theo bà nội em kể thì bố em từ nhỏ bị viêm tai giữa, đến khi phát hiện máu chảy ra đằng tai mới cho đến bệnh viện thì đã muộn, bác sĩ nói đã “ăn vào não” và để lại di chứng là trí nhớ và sức khỏe bị giảm sút, không có khả năng lao động. Bà nội Hiếu đã cao tuổi mắt lòa. Mọi chi tiêu cho 5 người trong gia đình Hiếu ở giữa Hà Nội trong thời buổi giá cả leo thang đều chủ yếu trông chờ ở số lương hưu ít ỏi của ông nội em - một cựu quân nhân hiện đang ốm nằm liệt giường …

Cảm thông với gia cảnh của em, Ban giám hiệu nhà trường đã phát động phong trào “Nhà giáo trường Ams đỡ đầu cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt”. Sau một tháng triển khai, tính đến trung tuần tháng 10/2011, ban vận động đã nhận quyên góp và chuyển tới em Nguyễn Trung Hiếu số tiền là 12,9 triệu đồng và một bộ laptop. Ngoài ra, để có nguồn tài chính ổn định và giúp em Hiếu có điều kiện học tập nâng cao trình độ các thày cô còn có hình thức chia sẻ phong phú khác như trích lương “tặng hàng tháng” cho em Hiếu 450 ngàn đồng; thày Nguyễn Trọng Tuấn nguyên hiệu phó nhà trường cam kết cho em Hiếu vay hàng tháng 500 ngàn đồng cho đến khi học hết lớp 12; còn cô Nguyễn Thúy Hằng giáo viên toán thì tặng em một suất học bổng cho tất cả các môn học ở trung tâm “Học mãi”… Hiện nay cuộc vận động vẫn tiếp tục được triển khai.

Nguyễn Trung Hiếu cho biết em rất xúc động trước tình cảm các thày cô dành cho em và gia đình. Em không còn phải nhịn ăn sáng để đi học nữa. Em tự hứa sẽ thật cố gắng để giành thành tích cao hơn trong học tập nhằm vượt lên số phận và để ngày mai lập nghiệp, không phụ lòng mong mỏi của các thày cô, của gia đình …
Vũ Quốc Lịch
(Giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam)


Nguồn:dantri.com.vn

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

PHƯƠNG CÁCH TƯ DUY:HỆ THỐNG TRI THỨC MỞ

Kể từ khi bước vào quá trình đổi mới, rồi hội nhập toàn cầu hóa, xã hội Việtnam đã đi được một chặng đường rất quan trọng, dẫu còn bao nhiêu việc phải làm trước mặt. Huấn luyện viên trưởng của đội tuyển bóng đá Việt nam không phải là đảng viên, không có quốc tịch Việtnam, không phải người thuộc một « đất nước anh em » truyền thống, không phải là một nhà huấn luyện phong trào : ông ta là một huấn luyện viên Tây Âu nhà nghề. Cái gì đã xảy ra vậy ? Có quan trọng không ?

Cực kì quan trọng !

Xã hội Việtnam đã đi được một bước khổng lồ đầu tiên trên thực tiễn : từ phương cách tư duy ý thức hệ chuyển sang các hệ thống hiểu biết mở, phi độc đoán. Con đường đã mở ra đó mời gọi xã hội tiếp bước, một cách bình thản, sáng tạo, từ tốn, bao dung, nhưng dứt khoát.

Đêm dài trung cổ

Tất cả các xã hội trên thế giới đều đã từng được ninh nhừ trong các nồi hầm « đêm dài trung cổ ». Không cần phải giải thích dài dòng, nguyên tắc lớn nhất là mỗi con người của các xã hội đó không cần và không có quyền được có các suy nghĩ riêng về các cư xử tổ chức xã hội : hãy làm theo cái mà bề trên yêu cầu. Bề trên là tập tục, là giáo lý tôn giáo, là giáo chủ. Trong xã hội Á Đông xưa thì vua chúa thường đóng luôn vai giáo chủ này. Chỉ có một hệ ý thức đơn giản đóng vai trò uốn nắn cách nghĩ cho muôn dân.

Chuyển đoạn ý thức hệ

Với các tiến bộ về tinh thần, khoa học, công nghệ, các xã hội dần dà cựa mình. Con người hiểu dần ra giới tự nhiên và tìm cách khai thác, « chinh phục » các sức mạnh của tự nhiên. Nhưng con người chậm hiểu được nhất về chính bản thân mình, về tổ chức xã hội và tinh thần của mình, để rồi hẵng nói đến chuyện cải tiến chúng. Con người thường phải đi qua một giai đoạn đặc biệt như một hình thái khác chưa kết thúc của đêm dài trung cổ, giai đoạn chuyển mình mang tính ý thức hệ : người ta bắt đầu ý thức về hệ thống ý thức chính thống, nghi ngờ mặc cả với nó, nhưng chưa biết làm sao để vượt lên khỏi chính nó. Giai đoạn này dài hay ngắn tùy thuộc vào sức thức tỉnh, khả năng học hỏi, và năng lực tự tái tổ chức tiến hóa của các cộng đồng. Giai đoạn ý thức hệ này thường mang những đặc điểm như sau trong các ý thức cộng đồng.

Một hệ thống cắt nghĩa giữ vai trò độc tôn. Hệ thống này hình thành tùy theo các điều kiện tôn giáo, văn hóa, lịch sử… mà có các hình hài khác nhau ở các cộng đồng khác nhau. Điểm chung là hệ thống này mang tính độc tôn, không dung dưỡng các hệ thống lý giải khác cùng tồn tại.

Đức tin được đặt lên trên sự nghi ngờ. Các tư duy, các phán xét đặt lại các vấn đề đều bị xã hội coi như lạc đàn, phản xây dựng, làm hao mòn đức tin.

Vùng cấm địa. Ngay cả những tư duy chấp nhận hệ thống chính thống cũng bị cấm động chạm đến những vấn đề thuộc về những vùng cấm địa.

Đóng kín. Ngay cả những suy tư theo hệ thống chính thống cũng không được phép mở rộng các quan sát ra những hiện thực « bên ngoài kia ». Ví như hệ thống chính thống cho rằng « đạo Hồi phải là nền tảng của pháp luật» thì không ai có thể đặt vấn đề một nền pháp luật tồn tại bên ngoài đạo Hồi.

Chân lý tuyệt đối. Một phức hợp các chân lý tuyệt đối thường được đăng quang, mọi suy nghĩ và thảo luận chỉ được phép đóng vai trò thuyết trình cho những chân lý ấy.

Phi thời gian. «Tri thức » của hệ thống chủ đạo có tinh thần « một lần cho mãi mãi », hướng dẫn mọi tìm hiểu, giải thích toàn bộ lịch sử, hôm qua, hôm nay, hôm mai, một cách bất chấp thời gian.

Chống sợ hãi. Loại bỏ một cách mơ hồ sự sợ hãi trước mọi vùng chưa hiểu biết được. Hệ thống này đặt vấn đề bào chữa cho các quan sát của mình về thế giới trước khi tìm hiểu nó. Nó làm như mình có sẵn mọi câu trả lời cho những nỗi lo sợ triền miên của con người, từ như cái chết, sự mờ mịt về tương lai, cho đến sự lo lắng về thế giới rộng mở xung quanh, về những phiêu lưu mới sẽ phải trải qua trên đường đời…

Quyền lực tuyệt đối. Thực chất quyền lợi của nhóm lợi ích thắng thế được trình bày thành lợi ích chung bất khả thương nghị.

Bất chấp mâu thuẫn. Mọi mâu thuẫn, bất kể thuộc lĩnh vực nào, đều được dung nạp và tái giải thích gắng gượng trong hệ thống này. Khi đời sống phức tạp lên, hệ thống này tích nạp mọi điều vô lý và thúc đẩy sự rối loạn suy tư trong xã hội.

Vô chính phủ. Như một hệ quả cực đoan, xã hội hình thành song song trong nó tính vô trật tự, « vô chính phủ » trong nhận thức, ngay cả trong giới cầm chịch.

Tính thủ pháp. Tính chất này ngày càng được đề cao trong thực tế để gi ải quyết các công việc theo tính vụ việc cần kíp tức thì, do bản thân hệ thống này khó lòng giải quyết được việc lý giải ổn thỏa.

Tuyên truyền lấn át thông tin. Nhiều khi người ta phải thông qua các tuyên truyền để đoán ra các thông tin, đoán ra cái gì đó mới xảy ra. Xã hội đồn đoán phát triển thay thế cho xã hội được thông tin, mê tín thay thế sự phân tích lý tính.

Ngôn ngữ chết cứng là điều thường nhận thấy. Khi hệ thống không đảm đương được tính thuyết phục nữa, nó đành chỉ quan tâm đến mục đích ngắn nhất theo cách khiên cưỡng bất chấp. Phép ngụy biện khi này được lạm dụng dễ dãi.

Khoa học luận trở nên sáo ngữ hàn lâm, và được sử dụng khắp nơi để trang trí cho sự thiếu hiểu biết, mang tính lấn lướt, lạm niệm.

Thái độ thù địch với các thay đổi thường được thể hiện thường trực, thay vì tinh thần sẵn sàng vươn tới tìm hiểu những cơ hội mới. Tính phải đạo và sự vâng lời được đề lên thành chuẩn mực.

Yếu tố lý trí tập thể được đẩy lên thành phản xạ. Xúc cảm được đặt ở vị trí thống trị đối với phân tích lý tính.

Tính nhận thức cắt rời lịch sử được kích hoạt, làm như người ta đang sống và suy nghĩ, hành động trong một cuộc đảo lộn tẩy não vĩ đại về nhận thức. Các yếu tố của giáo lý vừa được đánh bóng, vừa được hiển nhiên hóa, nhàm hóa, phổ thông hóa.

Cuối cùng sự tôn thờ giả-đồng-thuận được đẩy lên thành thiêng liêng.

Hội nhập toàn cầu : các hệ thống hiểu biết mở, phi độc đoán

Xã hội phát triển, cởi mở, hội nhập toàn cầu, tự do hóa các lưu chuyển vốn, công nghệ, nhân lực… đưa con người đến một thực tế mới. Đời sống trở nên năng động, phong phú, đa dạng, phức hợp.

Con người dần từ bỏ ảo ảnh rằng mình luôn luôn đã là người biết hết mọi chuyện, đã nhận rõ tương lai rốt cùng, và luôn luôn thắng cuộc.

Con người học chung sống, học hợp tác, giữa mọi cá nhân và các tổ chức, ở phạm vi trong nước và toàn cầu. Khối tri thức của nhân loại chui vào trong từng máy tính, trong từng điện thoại thông minh của từng con người, và mỗi con người đó lại có thể đang dịch chuyển trong các không gian công việc hay đời sống của nền chính trị-kinh tế-xã hội của toàn cầu len lỏi khắp ngóc ngách mọi nơi.

Con người cùng xã hội của anh ta buộc phải trở nên dũng cảm hơn, và khiêm tốn hơn. Anh ta cùng xã hội phải học cởi mở, học suy nghĩ phi độc đoán, học tích hợp các hệ thống hiểu biết cần thiết, để thành công công việc trong các cộng đồng phức hợp, và để có được hạnh phúc của đời sống cá nhân và hạnh phúc của đời sống cộng đồng./.

Nguồn:nuocdenchan.com

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

HILLARY CLINTON NÓI VỀ LIBYA,TRUNG QUỐC,TRUNG ĐÔNG VÀ BARACK OBAMA


Tạp chí Time phỏng vấn Ngoại trưởng Hillary Clinton hôm 19-10-2011

Richard Stengel, phụ trách bộ phận biên tập của Tạp chí TIME đã phỏng vấn Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton hôm 19 tháng 10 năm 2011. Tạp chí TIME số ra ngày 27/10/2011 trích đăng nội dung chính của cuộc phỏng vấn theo dạng ghi chép lại ghi âm phỏng vấn của Richard Stengek. Những chỗ in nghiêng là phần câu hỏi của TIME)

Phạm Anh Tuấn dịch



Xin cảm ơn bà rất nhiều vì đã nhận lời trả lời phỏng vấn. Chúng ta hãy bắt đầu với chuyến công du vừa rồi của bà (tới Libya, Oman, Afghanistan và Pakistan).

Vâng, xin mời.

Tôi nghĩ những nhận xét của bà về Libya là rất phấn khởi, lạc quan. Có phải đó là sự lạc quan về những gì nước Mỹ đã làm ở Libya, có phải là bà lạc quan bởi vì đây là một mô hình cho sự tham gia của nước Mỹ trong tương lai?

Thế này vậy, hãy để tôi nhắc lại một chút về giai đoạn trước đó để đặt Libya trong một hoàn cảnh mà tôi nghĩ có thể giải đáp câu hỏi trên của ông. Một phần sứ mệnh của tôi là phải giải thích rõ với các nước rằng nước Mỹ đang lấy lại vai trò lãnh đạo thế giới. Khi bắt đầu trở thành Ngoại trưởng tôi thấy các nước thân Mỹ, các đồng minh, và các nước trên khắp thế giới đều đang có rất nhiều những mối hoài nghi, rất nhiều những lo ngại và sợ hãi. Và một phần những gì tôi đã cố gắng làm trên cương vị Ngoại trưởng ấy là phải tái khẳng định vai trò lãnh đạo của nước Mỹ, song phải thừa nhận rằng trong những điều kiện của thế kỷ XXI này thì nước Mỹ phải lãnh đạo theo cách khác chứ không phải theo cách nước Mỹ đã từng làm trong lịch sử.

Và thoạt đầu thì có lẽ người ta thấy hơi khó hiểu khi thấy mục tiêu của tôi là khẳng định vai trò lãnh đạo của nước Mỹ theo cách tôi tập trung vào những giá trị quan trọng nhất của nước Mỹ, tức là tôi sử dụng những công cụ và phương pháp mới mẻ về ngoại giao và phát triển hiện đang có hiệu lực, có thể được gọi là sử dụng sức mạnh một cách khéo léo, nhằm xây dựng các mối liên minh và mạng lưới liên kết bền vững hơn. Và đây là một trong những mục tiêu của tôi trong thời gian sau đó, trong một chừng mực đáng kể, tôi đã làm thay đổi cách thức làm ăn của nước Mỹ và kết hợp khéo léo hơn những đòi hỏi về vai trò lãnh đạo hiện nay của nước Mỹ với cái cách thức chúng ta đang khẳng định sức mạnh của mình.

Như vậy nghĩa là tôi đã đến châu Á trước tiên, bởi vì đó là vùng đất của cơ hội, chứ không chỉ là vùng đất của những mối đe dọa. Hiển nhiên là gần một thập kỷ nay thì những mối đe dọa và nguy hiểm đều tập trung ở đó, điều này là có thể hiểu được, và chúng ta không được phép để cho bị xao nhãng khỏi điều đó. Nhưng chúng ta phải nhìn vào những cơ hội ở các nước trong khu vực đó, nhất là những cơ hội cho vai trò lãnh đạo của nước Mỹ, những cơ hội phát triển kinh tế v.v. và chúng ta phải có cách nghĩ khác về cách chúng ta lãnh đạo.

Như vậy là những mục tiêu nói trên đã đưa tôi đến với Mùa Xuân Ả Rập, đến với cuộc Thức tỉnh Ả Rập. Libya cho nước Mỹ một cơ hội để chứng minh thế nào là thực sự tập hợp một sự cam kết mạnh mẽ do Hoa Kỳ dẫn đầu, thế nào là thực sự tin tưởng vào sự cam kết đó nhưng mà phải là sự cam kết bằng sự tham gia trọn vẹn của cả những đồng minh mới mẻ nữa chứ không chỉ những đồng minh quen thuộc của nước Mỹ. Và phải kiên nhẫn xây dựng sự cam kết đó, như điều chúng ta đã làm được, tôi nghĩ đó là điều đã củng cố vị thế của nước Mỹ. Như ngày hôm qua ông đã chứng kiến đấy, người Libya hoàn toàn không còn nghi ngờ việc chúng ta có mặt ở đó là vì họ và chúng ta đã đảm bảo vai trò lãnh đạo mà họ cần đến trong cuộc đấu tranh vì tự do.

Hãy nhìn cái cách chúng ta xử lý Mùa Xuân Ả Rập, chúng đang cố gắng gây ảnh hưởng tới việc cai quản đất nước Libya, với sự hoàn toàn thừa nhận rằng họ tự chủ trong công việc quản lý đất nước của họ và chúng ta không kiểm soát họ. Có vô số những sự kiện xảy ra mà không thể lường trước được, song chúng ta muốn lãnh đạo bằng những giá trị và những lợi ích của nước Mỹ, bất chấp tình hình sẽ diễn biến theo con đường nào trong thập niên sắp tới, theo cách người dân Libya sẽ hiểu được rằng nước Mỹ luôn đứng về phía của dân chủ, của pháp trị, đứng về phía của cơ hội kinh tế, đứng về phía của các quyền dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ. Và tôi hy vọng rằng điều này sẽ là một liều thuốc giải độc hiệu nghiệm cho những tiếng nói xuất phát từ chủ nghĩa định mệnh hoặc xuất phát từ chủ nghĩa cực đoan quá khích…

Và bằng câu trả lời, nước Mỹ đã làm được rất nhiều điều, đầu tiên là ở Ai Cập và Tunisia và tất nhiên là ở Libya, mỗi nơi theo cách khác nhau tùy thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi nước, nhưng tôi tin rằng chúng ta đã xây dựng được một mô hình tốt về cách nước Mỹ muốn giúp đỡ các nước khác trong khi vẫn thừa nhận những giới hạn chúng ta có thể sẽ đạt được.

Chúng ta có cần đến một cách diễn đạt mới về vai trò lãnh đạo của nước Mỹ? Bởi vì sau sự can thiệp vào Libya thì Tổng thống đã bị chỉ trích từ một số người thuộc Đảng Cộng hòa, rằng Tổng thống đã lãnh đạo từ phía sau, để dùng cách nói của những người chỉ trích. Chúng ta đã quá quen với cách nói rằng nước Mỹ là nhất. Chúng ta có cần một cách nói khác nào đó để nói về chuyện này?

Tôi nghĩ đây là một câu hỏi thú vị. Dĩ nhiên tôi phản đối cơ sở lập luận nói trên, bởi vì tôi nghĩ là nước Mỹ hoàn toàn đóng vai trò lãnh đạo ở tuyến đầu. Nếu không có nước Mỹ thì làm gì có những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nếu không có nước Mỹ thì làm gì có sự can thiệp quân sự mạnh mẽ để góp phần hoàn tất mọi việc. Nếu không có nước Mỹ thì tôi nghĩ mọi chuyện đã diễn ra theo cách khác chứ không phải như bây giờ. Nhưng tôi cũng tin rằng chúng ta sẽ còn mạnh hơn nữa nếu chứng tỏ rành mạch rằng nước Mỹ không chỉ vẫn đang giữ vai trò lãnh đạo mà nước Mỹ còn thuyết phục được nhân dân đi theo.

Đúng vậy.

Tôi nghĩ một trong những câu hỏi lớn tôi chắc chắn đã đối mặt khi bắt đầu làm Ngoại trưởng ấy là: được, nước Mỹ đã sẵn sàng giữ vai trò lãnh đạo, vậy các nước khác đã chuẩn bị sẵn sàng cùng nước Mỹ tìm kiếm bất kỳ một chương trình nghị sự nào hay chưa? Đã có rất nhiều sự đổ vỡ trong các mối quan hệ của chúng ta và đã xảy ra một xu hướng là có nước đã thu mình lại hoặc giả cho là nước Mỹ chắc chắn sẽ không giữ trọn vẹn cam kết đâu, chưa nói gì tới người ta còn cho là nước Mỹ đang giành giật vai trò lãnh đạo. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến cho rất nhiều người tự hỏi liệu nước Mỹ có lấy lại được vai trò lãnh đạo của mình hay không.

Tôi nghĩ ông đã dùng cách nói rất khéo khi đặt câu hỏi trên, nhưng tôi cho đây mới là điểm chính yếu: ngày hôm nay chúng ta đang sống trong một thế giới đa cực được liên kết nhiều hơn trước đây rất nhiều. Vậy mà vẫn còn có những người phủ nhận điều này và không chịu thừa nhận thực tế, nhưng tôi không nằm trong số đó. Quan điểm của tôi là nếu muốn làm lãnh đạo thì phải đánh giá thận trọng xem nhân dân đang ở chỗ nào và nhân dân muốn đi tới đâu. Và nếu điều đó trùng với điều chúng ta tin tưởng, thế thì tốt quá; chúng ta có thể đi theo hướng đó và đưa nhân dân đi cùng. Nếu nhân dân tránh xa chúng ta, nếu nhân dân lựa chọn một con đường khác, khi ấy chúng ta buộc phải dùng mọi phương tiện để thuyết phục rằng con đường chúng ta muốn đi cũng là con đường vì lợi ích của nhân dân. Nước Mỹ đã làm được rất nhiều điều như vậy trong hai năm rưỡi qua.

Bà cũng có thể phủ nhận cơ sở lập luận mà tôi sắp nói ra sau đây. Nhưng bà thường xuyên nói về những giới hạn của sức mạnh Mỹ – kể từ bài diễn văn của bà tại Wellesley rồi khi bà trở thành Ngoại trưởng – vậy sức mạnh Mỹ hiện nay có giới hạn trên những phương diện nào so với thời kỳ bà còn làm một Thượng nghĩ sĩ, so với thời bà là đệ nhất phu nhân, thậm chí từ cái thời xa hơn nữa khi bà còn ở Wellesley?

Chà, tôi nghĩ theo định nghĩa thì sức mạnh nào cũng có giới hạn của nó. Tôi không nghĩ trên đời này có điều gì như là sức mạnh tuyệt đối; và những ai định dùng sức mạnh kiểu đó và lãnh đạo bằng sức mạnh kiểu đó, như Gaddafi chẳng hạn, thì rút cục sẽ thấy rằng đó chỉ là một thứ sức mạnh rởm được dùng để lừa bịp người khác (Potemkin village). Còn ở nước Mỹ thì những giới hạn của sức mạnh bao giờ cũng liên quan đến ngân sách. Giờ đây những người kiểu như Gaddafi có lẽ đang ngày càng trở nên cứng rắn hơn so với trước đây, vì thế chúng ta phải khéo léo hơn. Nước Mỹ không thể làm theo kiểu Kế hoạch Marshall trước đây (chương trình viện trợ của Mỹ nhằm tái thiết châu Âu sau Thế chiến II), như vậy thì bằng cách nào chúng ta nhắm tới điều gì là quan trọng đối với nhân dân? Ngày hôm qua ở Libya tôi đã nghe đi nghe lại câu nói này: hãy giúp chúng tôi chăm sóc vết thương; đó là một cách để giúp chúng tôi chữa lành vết thương của dân tộc. Tại sao chúng ta không nhắm tới điều đó và triển khai những nguồn lực theo những cách thức đem lại kết quả?

Chúng ta hiện đang bị hạn chế trong bối cảnh địa chiến lược bởi vì có những nước khác đang nổi lên. Đó là một thực tế lịch sử. Điều này đã từng xảy ra trong những thời điểm khác nhau trong lịch sử. Nhưng dù xảy ra theo cách nào đi nữa thì tôi cũng không coi đó là một sự giới hạn sức mạnh của nước Mỹ. Tôi coi đó như là một thách thức cho việc cách nào chúng ta sử dụng sức mạnh tốt hơn để thúc đẩy an ninh, những lợi ích và những giá trị Mỹ.

Như vậy là chúng ta không thể dùng một cây đũa thần ra lệnh cho Trung Quốc hay Brazil hoặc Ấn Độ rằng “Ngừng tăng trưởng đi, hãy chấm dứt dùng kinh tế để khắng định sức mạnh trong nền kinh tế toàn cầu”. Điều đó thật lố bịch. Và tôi cũng chưa từng thấy có bất kỳ quốc gia nào từng tuân lệnh nước Mỹ. Nước Mỹ bao giờ cũng lãnh đạo bằng những giá trị Mỹ và bằng quan niệm rằng, khác với hầu hết những quốc gia đóng vai trò dẫn đầu khác trong lịch sử thế giới, nước Mỹ không đi ra ngoài để xây dựng một đế chế, nước Mỹ không đi ra ngoài để áp đặt một ý thức hệ lên những ai không mong muốn. Chỉ là do ngẫu nhiên mà nước Mỹ đã có niềm tin rằng nước Mỹ đại diện cho sự nẩy nở trọn vẹn tiềm năng của con người và vì thế nước Mỹ mong muốn dùng mình làm ví dụ minh họa để các nước noi theo, nước Mỹ muốn ủng hộ điều đó và nước Mỹ muốn dẫn đầu để đi tới điều đó.

Vậy có phải bao giờ chúng ta cũng gặp phải những sự câu thúc? Có chứ, dĩ nhiên là vậy, chúng ta luôn luôn gặp phải những sự câu thúc. Sự câu thúc luôn thay đổi theo thời gian và điều này đòi hỏi chúng ta giữ vai trò lãnh đạo sao cho luôn duy trì sự suy nghĩ về ngày mai. Cách nào để nước Mỹ đưa những lợi ích và nhu cầu của mình vào trong tương lai? Mối quan tâm ưu tiên tới tương lai sẽ phải là, nước Mỹ phải là ai, và mối đe dọa lớn nhất đối với chúng ta như là một quốc gia ấy là chúng ta bắt đầu rụt rè và ngoảnh nhìn về quá khứ và thế là chúng ta bắt đầu hoài nghi chính mình và thậm chí chúng ta còn hoài nghi bản thân mình nhiều hơn là niềm tin cậy còn sót lại của những quốc gia khác dành cho chúng ta. Và tôi nghĩ rằng bởi vì tôi đã quá nhiễm đậm cái ý thức về chủ nghĩa biệt lệ Mỹ (American exceptionalism) và niềm tin rằng chúng ta được yêu cầu để giữ vai trò lãnh đạo, cho nên nhiệm vụ của chúng ta là tìm ra cách nào nước Mỹ tự đặt mình vào vị trí hiệu quả nhất tại những thời kỳ khác nhau trước những mối đe dọa và những cơ hội khác nhau.

Bà vừa nói rằng chúng ta đang bước vào thời kỳ nước Mỹ phải có sự tham gia, và tham gia với những điều kiện – đồng thời vượt ra khỏi quan niệm về những sự giới hạn của sức mạnh Mỹ, nhưng dường như đang xuất hiện một mối quan hệ mới mẻ giữa các công dân, điều này là do truyền thông xã hội, do công nghệ truyền thông – cho nên tôi nghĩ là có những mối quan hệ mới mẻ giữa các chính phủ, giữa các công dân và giữa chính phủ với công dân. Liệu đây có phải là điều tích cực rõ rệt dành cho nước Mỹ? Và nếu đúng vậy thì là tại sao? Và cách nào để nước Mỹ khai thác được điều đó?

Tôi nghĩ đó là một điều tích cực dành cho chúng ta. Một trong những mục tiêu của tôi khi nhậm chức Ngoại trưởng là đưa ngoại giao ra khỏi những thủ đô, ra khỏi những văn phòng bàn giấy của Chính phủ, đưa ngoại giao tới những phương tiện truyền thông, tới những đường phố của các quốc gia. Như vậy là ngay từ đầu tháng 2 năm 2009 tôi đã cố gắng kết hợp ngoại giao gặp gỡ ở cấp Chính phủ mang tính bắt buộc, tức là xây dựng những cơ chế để chúng ta đẩy mạnh sự tham gia giữa các Chính phủ, với ngoại giao nhân dân-với-nhân dân. Do truyền thông xã hội, do sự phổ biến của công nghệ truyền thông ở khắp nơi nơi hiện nay cho nên không có người lãnh đạo nào giờ đây có thể phớt lờ nhân dân của mình được nữa.

Đúng vậy.

Bây giờ không còn chỗ cho những nhà lãnh đạo độc đoán, độc tài như trước kia nữa. Lãnh đạo ngày nay bắt buộc phải ý thức được những gì đang sôi sục ở bên dưới. Vì thế tôi cho rằng ngoại giao giờ đây là sự kết hợp của từ-trên-xuống-dưới với từ-dưới-lên-trên, bởi vì nếu nhân dân có một cảm nghĩ tốt hoặc một cách hiểu đúng về chúng ta là ai với tư cách những người Mỹ, thì điều đó sẽ gây ảnh hưởng tới việc điều gì một nhà lãnh đạo có khuynh hướng thiên về hợp tác với chúng ta có thể sẽ làm và đồng thời nó còn phát đi một thông điệp tới những ai không có khuynh hướng hợp tác với chúng ta.

Chẳng hạn, chúng tôi đã bắt đầu ngoại giao như thế này: chúng tôi tiếp xúc với các tòa thị chính và chúng tôi có những cuộc phỏng vấn trước mặt những cử tọa và chúng tôi tiếp xúc rộng rãi với nhân dân và cho họ cơ hội đặt câu hỏi cho chúng tôi. Tôi đã làm ngoại giao theo cách như vậy dựa trên cơ sở những số liệu thăm dò ý kiến cho thấy thế hệ trẻ ở rất nhiều khu vực trên thế giới, châu Á chẳng hạn, thực ra chưa biết nhiều về những gì nước Mỹ đã làm ở cái thời tôi còn đang trưởng thành, đây là điều chúng ta chưa gửi thành thông điệp tới những khu vực rộng lớn trên thế giới trong tám năm qua.

Mặt khác tôi không đưa ra một sự đánh giá hoặc chỉ trích nào. Vấn đề chỉ đơn giản là mọi sự diễn ra như trong thực tế, không làm gì có sự phân loại nước Mỹ là ai, nước Mỹ là gì. Và chiến dịch tranh cử của Barack Obama và tôi đã thực sự thu hút sự chú ý của người dân các nước, và sau đó việc Obama đắc cử Tổng thống là một tín hiệu to lớn tới những người trẻ tuổi. Vì thế khi tôi bắt đầu công du thì chúng tôi đã thực sự có rất nhiều sự tò mò bởi vì nói thật là chúng tôi rất lo ngại trước số liệu thăm dò dư luận cho thấy người dân không phải là có thái độ tiêu cực đối với nước Mỹ mà là có thái độ lãnh đạm đối với nước Mỹ.

Sau vụ khủng bố 11/9, chúng ta đã đóng cửa hệ thống cấp visa, chúng ta đã gây rất nhiều khó khăn cho sinh viên ở khắp nơi tới học ở các trường tại Mỹ. Và các quốc gia khác đã bắt đầu lấp đầy chỗ trống do Mỹ để lại. Sinh viên bắt đầu tới Australia hoặc Trung Quốc hoặc những nước khác. Và như vậy là sự hiểu biết quen thuộc, những sự trao đổi là cái đã từng là dấu hiệu phân biệt quá lâu nay các mối bang giao của nước Mỹ, đã thực sự bị gián đoạn.

Cho nên tôi nghĩ là cái quan niệm cho rằng chúng ta phải truyền thông trực tiếp tới người dân giờ đây là một điều đã được định sẵn. Và khi tôi đặt làm một công trình nghiên cứu trước nay nước Mỹ chưa bao giờ làm về ngoại giao và phát triển, được gọi tên là Quadrennial Diplomacy and Development Review – QDDR (Nghiên cứu định kỳ 4 năm một lần về Ngoại giao và Phát triển), thì nghiên cứu đó đã tập trung rất nhiều vào cách thức chúng ta làm ngoại giao theo cách khác như thế nào, cách chúng ta sử dụng phương tiện truyền thông xã hội như thế nào.

Khi tôi bắt đầu vào Bộ Ngoại giao thì chúng tôi thậm chí còn chưa sử dụng điện thoại BlackBerry rộng rãi. Chúng tôi lúc đó vẫn chưa sử dụng những công cụ truyền thông của thế kỷ XXI. Một trong những lý do là người ta còn chưa chắc chắn liệu chúng có an toàn hay không, đại loại thế. Nhưng thực tế là chúng tôi đã bắt đầu gửi thông điệp trên Twitter và Facebook và tất cả những loại công cụ có tầm vươn xa khác. Và chúng tôi đã bắt đầu nói với các nhân viên ngoại giao, đặc biệt là những người trẻ tuổi: “Nào, hãy ra ngoài và chuyện trò.” Vì vụ 11/9 nên chúng ta đã thu mình lại. Các Sứ quán của Mỹ là những pháo đài. Chúng ta không có những Góc của Mỹ và những trung tâm mà chúng ta từng có rất nhiều để người dân có thể vào đó và tìm hiểu về nước Mỹ.

Do đó chúng tôi đã nói là chúng ta phải làm theo cách khác. Người dân đang đi về đâu? Vì thế chúng tôi đã thành lập một Trung tâm Mỹ tại khu mua sắm lớn nhất tại Jakarta. Và thoạt đầu thì người dân đã nói “Ôi, Chúa ơi. Thế này nghĩa là sao?” Vậy đấy, điều này nghĩa là chúng tôi đang đưa thông điệp của nước Mỹ tới những nơi người dân đang thực sự sống và làm việc.

Bà có nêu rằng bản thân bà là một người theo chủ nghĩa biệt lệ Mỹ. Tổng thống có phải là một người theo chủ nghĩa biệt lệ Mỹ theo cách như bà không? Và cách của ông ấy là sao – có phải là biểu hiện theo cách khác với cách của bà, và ông ấy dùng cách nào để chứng tỏ với nước ngoài?

Chà, tôi nghĩ là Tổng thống hầu như theo định nghĩa thì là một người theo chủ nghĩa biệt lệ Mỹ. Ông ấy là ví dụ của chủ nghĩa biệt lệ Mỹ. Nhưng tôi nghĩ là ông ấy còn điều hành đất nước bằng niềm tin đó (niềm tin nước Mỹ là cái gì đó đặc biệt, biệt lệ). Ông ấy rất tôn trọng quan điểm của nhân dân các nước khác và những giá trị văn hóa và lịch sử riêng của họ, điều này tôi cho là hợp lý bởi vì chúng ta làm việc với nhân dân của đất nước, chúng ta cần biết họ từ đâu tới và không chỉ đơn thuần khẳng định vị thế của riêng mình. Và tôi nghĩ rằng điều cuốn hút người dân ở các nước khác về việc ông ấy được bầu làm Tổng thống nằm ở chỗ họ hiểu rằng điều đó chỉ có thể xảy ra ở nước Mỹ.

Chúng ta không cần phải đi khắp nơi đeo một tấm biển lớn có dòng chữ, chẳng hạn, “Tôi là một người theo chủ nghĩa biệt lệ Mỹ”. Chúng ta chỉ đơn thuần thể hiện nó ra và thế là xong – có thể gọi đó là phương tiện gửi thông điệp. Và tôi bị ấn tượng mạnh trong những chuyến công du đầu tiên, một trong những câu hỏi phổ biến nhất mà người ta thường hỏi tôi, nhất là cử tọa trẻ tuổi ở các trường đại học và ở những môi trường khác, là thế này: Bà làm việc như thế nào với Tổng thống Obama? Bà từng là đối thủ của ông ấy khi vận động tranh cử. Bởi vì ngay cả những nước dân chủ, thậm chí ngay cả những người mà chúng ta coi là đã hoàn toàn trưởng thành, thì vẫn tồn tại một suy nghĩ cho rằng sẽ là điều hoàn toàn kỳ cục khi hai đối thủ chính trị rút cục lại làm việc cùng nhau. Như vậy đó cũng là một thông điệp tinh tế nhưng quan trọng về chủ nghĩa biệt lệ Mỹ.

Và bao giờ tôi cũng trả lời thế này: Đúng như các bạn nghĩ, chúng tôi đã tranh cử chống lại nhau rất quyết liệt. Ông ấy đã cố gắng đánh bại tôi, tôi thì cố gắng đánh bại ông ấy. Nhưng ông ấy chiến thắng, rồi sau đó ông ấy đã đề nghị tôi làm việc cho ông ấy. Và tôi đã đồng ý bởi vì cả hai chúng tôi đều yêu đất nước của chúng tôi. Như vậy là tôi nghĩ rằng cái thông điệp đó đã gây ra tác dụng cộng hưởng ở rất nhiều người dân, và một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh đặc biệt tới những người trẻ tuổi.

Nếu bà nhìn lại những gì đang xảy ra ở Ai Cập hiện nay thì thấy người dân bình thường coi đó như là một cuộc cách mạng ngọt ngào và nhẹ nhàng. Giờ đây người dân nhìn vào Ai Cập rồi nói, chà, họ đang chuyển từ một chính phủ quân sự sang một chính phủ khác. Giả dụ bà phải kết luận về Mùa Xuân Ẩ Rập, không chỉ tại Ai Cập mà còn những nơi khác nữa, thì bà nhìn nhận sự kiện ở đó như thế nào? Bà có coi đó như là một sự đổi thay lịch sử của toàn thế giới?

Tôi hoàn toàn coi đó là một sự đổi thay lịch sử toàn thế giới. Tôi nghĩ rằng đó là một sự kiện có thể làm đổi thay lịch sử. Tôi phần nào là người – hoặc chắc chắn ít nhất tôi không thể nói rằng tôi đã dự đoán được điều đó, song vì đã làm việc trong lĩnh vực này trong nhiều năm, cho nên tôi đã dự đoán là những gì đã xảy ra là không thể cưỡng lại. Hồi đầu tháng 1 tôi đã có bài diễn văn tại Doha trong đó tôi đã nói rằng cát dưới chân đang dịch chuyển, rằng trên thực tế thì các thiết chế chắc chắn sẽ sụp đổ. Lúc đó người ta đã nói, ồ, bà thật là tiên tri. Nhưng đó không phải là tôi có khả năng tiên tri. Đó là những gì đã xảy ra sau vụ người bán hoa quả người Tunisie. Điều đó phản ánh sự thừa nhận rằng trong thời đại mới của sự tham gia, trong thời đại mới của tính minh bạch và truyền thông tức thời thì các nhà lãnh đạo sẽ chắc chắn ngày càng khó mà lãnh đạo độc đoán theo những cách thức thường thấy như trước đây.

Vậy mà trên thế giới vẫn còn rất nhiều những nhà lãnh đạo vẫn còn bị tụt hậu, và chắc chắn sẽ còn lâu nữa thì điều này mới thay đổi, cho nên tôi nghĩ rằng chúng ta không nên quá hưng phấn và kỳ vọng một sự đổi thay kỳ diệu nào đó trong ngày một ngày hai. Theo quan điểm của tôi thì các xu hướng lịch sử không triển diễn theo cách như vậy.

Cho nên tôi không biết đích xác phải kết luận thế nào. Phần lớn điều này phụ thuộc vào liệu các lực lượng đã đem lại kết quả ban đầu tại Tunisia, tại Egypt, có đủ sức tự tổ chức lại mình và tìm ra cách để biến những khát vọng của họ thành những hành động hay không.

Điều này đúng với mọi cuộc cách mạng hoặc mọi trào lưu lớn. Bởi vì thường xảy ra điều là những nhà cách mạng, có thể nói như vậy, những người trên quảng trường Tahrir, họ đã mở cánh cửa, song họ không phải là những người thực sự có chuyên môn hoặc phương pháp làm việc, buộc phải tổ chức để tận dụng những lợi thế của những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Các lực lượng đóng vai trò tổ chức – dù là quân đội hay các nhóm Hồi giáo đã tồn tại như là thể chế trong xã hội, đều đang ở vị thế tốt hơn để tận dụng cơ hội.

Vì thế tôi nghĩ rằng sẽ có rất nhiều sự nhân nhượng trong những năm tới để cho những thành công hôm nay sẽ tiếp tục được phát triển sau đó. Nhưng tôi tin rằng về căn bản thì các lực lượng của tự do, các lực lượng của sự cởi mở, đều rất mạnh. Cách nào để họ triển khai thành các hướng là điều tôi đang quan sát với nhiều lo lắng. Và vì thế lại càng là lý do để chúng ta không chỉ hỗ trợ cải cách chính trị mà còn cả cải cách kinh tế nữa – bởi vì tôi là một người vô cùng tin rằng tầng lớp trung lưu là trụ cột của dân chủ. Nhân dân phải cảm thấy họ đang ngày càng khấm khá lên thì họ mới chấp nhận các luật của trò chơi, có thể nói như vậy, tức là họ chịu để cho các nhà lãnh đạo đất nước thực sự cai trị họ. Chúng ta (người Mỹ) được may mắn hưởng điều đó từ bao lâu nay và chúng ta không thể đánh mất nó.

Ở những quốc gia khác thì sự bất bình đẳng kinh tế, của cải nằm trong tay một số ít, thì tất cả những điều đó đều phải được thay đổi, không phải chỉ bởi vì giờ đây người dân được bầu cử và thành lập các đảng phái chính trị, mà còn là cách nào để mở của nền kinh tế và làm cho ngày càng có nhiều người hơn được hưởng sự thịnh vượng.

Cho nên là có rất nhiều việc phải làm cùng một lúc. Và tôi nghĩ rằng rất nhiều người tôi đã gặp trong năm qua nhất là tại Tunisia và Ai Cập thì đều hiểu được họ muốn đi tới đâu, song họ vẫn còn chưa thực sự biết được cách nào để tiếp tục con đường sẽ đưa họ tới chỗ đó. Rất nhiều cuộc cách mạng hồi tháng 5 đã bắt đầu trong niềm hy vọng lớn. Niềm hy vọng sau đó đã bị tiêu tan bởi thực tế của nền chính trị được thực thi dưới hình thức này hay hình thức khác ở khắp nơi. Và chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để làm cho người dân ở những nơi như Ai Cập hiểu rằng chính trị không phải là một từ ngữ bẩn thỉu, rằng không thể đi từ biểu tình tự phát tới chính quyền, rằng một nền dân chủ bao giờ cũng đòi hỏi sự xây dựng những thiết chế dân chủ. Và người dân vẫn còn chưa thực sự cảm thấy thoải mái khi nghe nói tới điều đó.

Như vậy là chúng ta đang làm hết sức mình để cung cấp những ví dụ và cung cấp sự hỗ trợ phi đảng phái. Chúng ta không đặt cược vào bất cứ ai hoặc chống lại bất cứ ai. Chúng ta chỉ đơn thuần cố gắng đảm bảo rằng người dân hiểu được phải làm điều gì để đi đến nơi mà họ tin rằng họ đang cố gắng đi đến.

Tôi nghĩ một số nhân vật chủ chốt của cuộc Chiếm đóng Phố Wall giờ đây đang đánh giá (nghe không rõ)… phải được truyền bá trên toàn thế giới, sẽ tìm thấy sự an ủi trong điều bà đang nói. Có phải cảnh sát đã làm dụng thẩm quyền…? Bà có theo dõi chút nào tình hình không?

Tôi chỉ theo dõi tin tức thôi. Ý tôi muốn nói là, tôi không thể giả vờ biết hết những gì những người chiếm đóng Phố Wall đang chủ trương bởi lẽ họ thực sự không có một chương trình nghị sự. Nhưng trước khi có cuộc chiếm đóng Phố Wall thì tôi đã nghĩ rằng đảng Tea Party cũng có động cơ nực cười giống như những người đang chiếm đóng Phố Wall hiện nay. Và tôi biết đảng Tea Party không thích nghe điều tôi vừa nói, nhưng rất nhiều người của đảng Tea Party đã thực sự khó chịu về các khoản cứu trợ tài chính của Chính phủ. Họ nghĩ, Thế quái nào mà Chính phủ lại cứu trợ những ngân hàng khổng lồ và đồng thời để họ tịch thu nhà thế nợ người hàng xóm của tôi? Ý tôi muốn nói là người dân thấy sự cứu trợ tài chính của Chính phủ là vô lý. Và tôi nghĩ rằng câu hỏi nói trên là công bằng.

Rất nhiều những người chiếm đóng Phố Wall là từ cùng một thành phần, nghĩa là sẽ không có sự nhân rộng. Cha tôi là người theo Đảng Cộng hòa, từng là một chủ doanh nghiệp nhỏ. Ý tôi nói là thực sự là nhỏ. Cha tôi thường xuyên chỉ có một hoặc hai người làm; hầu như chỉ là mẹ tôi, các anh trai tôi và tôi. Ông ấy theo quan điểm phần nào giống quan điểm kiểu Jefferson rằng chúng ta nên thận trọng với những cái gì "to", bởi vì quan liêu cồng kềnh quá sẽ khiến chúng ta không còn giữ được cái làm nên điều đặc biệt ở nước Mỹ.

Và đến bây giờ tôi vẫn luôn suy nghĩ về quan điểm của cha tôi, bởi vì chuyện của cha tôi đã xảy ra rất lâu rồi song nó vẫn có liên hệ với cả sự kiện đảng Tea Party lẫn sự kiện Chiếm đóng Phố Wall. Hượm chút, chúng ta sẽ có sự phản ứng lại, đừng hưởng quá nhiều hơn người khác. Cái chính phải hiệu quả, đừng lãng phí tiền, và đừng có để những ông lớn cuỗm tiền mang đi chỗ khác. Đó là cái tâm trạng của cha tôi.

Nhân nói tới cái to, hãy nói một chút về Trung Quốc.

Xin mời.

Gần đây bà nói nhiều về châu Á, theo cách bà đã đưa ngoại giao Mỹ tới sức mạnh khéo léo và mềm mỏng hơn, dường như Trung Quốc lại đang áp dụng sức mạnh kiểu cũ nhưng lại hiệu quả theo cách mà nước Mỹ đã từng làm song giờ đây không thể tiếp tục làm theo cách đó được nữa. Bà có thấy điều đó – đó là điều mà chúng ta có thể nói mãi không hết. Rõ ràng là Trung Quốc đang cạnh tranh với Mỹ, nhưng đó là sự cạnh tranh gì mới được chứ – bà thấy gì ở tương lai của sức mạnh Trung Quốc, trên phương diện khả năng điều hành đất nước của họ và [họ đang trở thành] bá quyền giống như nước Mỹ từng là?

Chà, tôi nghĩ rằng điều quan trọng là chúng ta đã chuyển trọng tâm tới châu Á. Và tôi muốn nhấn mạnh lại rằng không phải là nước Mỹ đang bỏ qua những rủi ro và mối nguy hiểm vẫn tiếp tục tồn tại ở Nam Á, Trung Đông, Bắc Phi v.v., song giờ đây chúng ta phải quay trở lại với cơ hội kinh doanh. Chúng ta phải tìm kiếm những cách thức để nước Mỹ có thể mở rộng sự hiện diện về kinh tế, gây ảnh hưởng, và hợp tác với Trung Quốc. Mục tiêu của tôi phần nào là đưa Hoa Kỳ hòa nhập vào cái kết cấu đang tồn tại sẵn ở khu vực châu Á.

Tôi hiểu.

Và rất nhiều người Mỹ đang thực sự bác bỏ điều này. Khi tôi tới Indonesia hồi tháng 2 năm 2009 và nói rằng chúng tôi sẽ ký một Hiệp ước hữu nghị và hợp tác và tham gia vào ASEAN thì mọi người đều cho là chuyện hoàn toàn bịa. Có sự phấn khích ở châu Á, đối với những người đề cao giá trị của các thiết chế của họ thì đây là sự chứng tỏ rằng Mỹ tôn trọng nước họ. Còn đối với những ai muốn tin chắc Hoa Kỳ là một cường quốc có mặt thường trực ở Thái Bình Dương để giúp tạo thế cân bằng với Trung Quốc thì tuyên bố của tôi là một sự thở phào nhẹ nhõm. Rồi sau đó là hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Chúng tôi muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ASEAN-HOA KỲ. TẤT CẢ đều có mặt, chúng tôi đã làm được rất nhiều điều ở châu Á, và cả Tổng thống và tôi đều coi châu Á là một ưu tiên thực sự.

Nếu chúng ta nhìn vào Trung Quốc, nhìn vào những gì họ từng làm trong khoảng thập niên vừa qua thì chúng ta sẽ thấy là họ sử dụng rất hiệu quả sức mạnh mềm của họ.

Đúng vậy.

Nếu chúng ta coi sức mạnh mềm như là sức mạnh ngoại giao và sức mạnh kinh tế, khi ấy các sức mạnh đó rất hiệu quả trong việc truyền bá rộng khắp khu vực, tạo ra đầu tư, xây dựng những gì mà các nước cần, làm việc để xây dựng các mối quan hệ nhằm thay đổi mối hận thù lịch sử hoặc sự nghi ngờ nhau. Và điều này không chỉ ở châu Á. Ý tôi muốn nói là Trung Quốc đã đưa sức mạnh mềm tới châu Phi, châu Mỹ La tinh, họ làm những điều giống hệt nhau.

Vậy là họ đang hoàn toàn có quyền làm như vậy. Tôi tin vào một thị trường kinh tế toàn cầu, như vậy là nếu như Trung Quốc muốn tham gia vào đó và cạnh tranh với ngành khai khoáng chẳng hạn, thế thì họ hoàn toàn có quyền làm điều đó. Nhưng tôi hoàn toàn không tin chúng ta nên nhượng bộ họ, chúng ta cũng cần cạnh tranh với họ về ảnh hưởng của quyền lực mềm. Như vậy là dù tham gia vào nhiều tổ chức hơn nữa hoặc đầu tư là điều người dân coi là quan trọng, đối phó với thiên tai là điều xảy ra rất nhiều trên thế giới và ở khu vực đó thì nước Mỹ có rất nhiều điều để nói và chúng ta sẽ bỏ lỡ một cơ hội lớn nếu như chúng ta không có mặt ở thực địa để nói ra câu chuyện.

Đồng thời chúng ta đều biết – đây chẳng phải điều bí mật gì phải giữ kín – rằng Trung Quốc đang gia tăng tài sản quân sự. Vâng, đó là điều một nước thường làm nếu họ có những nguồn lực, mà Trung Quốc thì đang có. Bổn phận của chúng tôi là phải đảm bảo rằng chúng ta có mặt ở nước đồng minh của chúng ta theo hiệp ước, chẳng hạn như Philippines, Nhật Bản, Thái Lan, ở nơi chúng ta có mối quan hệ chặt chẽ, chẳng hạn Australia, và trên khắp châu Á ở nơi chúng ta có những đối tác rất quan trọng.

Và như vậy khi Trung Quốc bắt đầu lên gân, và tôi nghĩ họ lên gân một phần là vì họ muốn khẳng định do cái vị thế kinh tế hiện nay của họ, thì lúc ấy chúng ta không thể thực sự tham gia theo cách như trước đây. Tôi nghĩ là tương lai đang đòi hỏi chúng ta phải tham gia theo cách khác. Có rất nhiều hoạt động đang xảy ra ở biển Hoa Nam [tức Biển Đông], có rất nhiều điều đang xảy ra liên quan đến việc Trung Quốc đang tự khẳng định mình, Trung Quốc đang có động thái ngăn cấm các nước thăm dò dầu mỏ, và nhiều chuyện khác nữa theo hướng đó. Cho nên tôi có quan điểm rõ ràng là Mỹ phải tuyên bố tự do hàng hải là một quyền quốc tế. Có những phương pháp để giải quyết tranh chấp về lãnh thổ, vì thế chúng ta không lựa chọn đứng về phe nào. Tôi sẽ không nói hòn đảo này là thuộc về Indonesia còn hòn đảo kia thuộc về Trung Quốc Đó không phải là vai trò của Hoa Kỳ. Nhưng chúng ta sẽ khẳng định rõ ràng nguyên tắc của pháp luật và giải pháp giải quyết vấn đề dựa vào pháp luật.

Và điều này dẫn dắt tôi tới một vấn đề rộng hơn là một phần của những gì chúng ta phải làm cho thế kỷ XXI, ấy là phải tạo ra một khung khổ mới dựa vào những nguyên tắc. Những gì tỏ ra có hiệu quả ở thế kỷ XX, những gì chắc chắn đã từng đem lại lợi ích cho chúng ta song tôi nghĩ cũng đã đem lại lợi ích cho phần còn lại của thế giới, hiện đang chứng tỏ có những dấu hiệu hao mòn và hoàn toàn không phản ánh được những diễn biến mới mẻ. Vì thế chúng ta cần một cách tiếp cận dựa vào nguyên tắc để giải quyết những vấn đề kinh tế và tranh cãi chính trị. Tôi gọi đó là sự tương hỗ dựa trên nguyên tắc; chúng ta phải có một bộ nguyên tắc để mọi người tuân thủ và hưởng lợi từ việc đó bởi vì bên kia cũng đang tuân thủ.

Và đây là một công cuộc lâu dài. Tôi đã nói điều này với người Trung Quốc. Hãy lấy ví dụ về biển Hoa Nam [Biển Đông]. Nếu chúng ta không có một cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc ở biển Hoa Nam để sao cho chúng ta nhìn vào luật quốc tế và luật dựa vào tập tục và giải quyết tranh chấp bằng những cơ chế hoặc đã được xác lập chắc chắn hoặc cần thiết phải được tạo ra, khi ấy chúng ta sẽ nói gì khi chúng ta quyết định chúng ta muốn đi qua Nam Cực bởi vì ở đó giờ đây có thể đi lại được do băng đã tan bớt đi rồi và người Nga nói "không được", "đó là của chúng tôi" hoặc ở một vùng biển nào đó khác mà người ta đang bắt đầu tuyên bố chủ quyền bằng vũ lực đi ngược lại những chuẩn mực quốc tế?

Và chuyện này không chỉ liên quan đến bất kỳ một quốc gia duy nhất nào. Chuyện này có liên quan đến việc bằng cách nào chúng ta có được một bộ nguyên tắc để tuân thủ, để tất cả mọi người đều được hưởng tối đa những kết quả tích cực từ bộ nguyên tắc đó.

P.A.T. dịch từ swampland.time.com

Đăng lại từ bauxite Việt Nam

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

PHỤC TÀI BÁC MẠNH



NGUYỄN QUANG LẬP
Vietinfo đưa tin Cựu TBT Nông Đức Mạnh cưới vợ trẻ: “Theo nhiều nguồn tin khác nhau, sau khi rời ghế Tổng bí thư Đảng CSVN chưa đầy một năm, ‘Cụ’ Nông Đức Mạnh cảm thấy ‘cô đơn’ và quyết định lấy vợ mới. Vị hôn thê mới của ‘Cụ’ là cô gái trẻ và dễ thương vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh)…Cô dâu là Đỗ Thị Huyền Tâm, sinh 17/10/1966, quê tại Ninh Xá, Bắc Ninh…Cô là Tổng giám đốc một công ty trách nhiệm ‘vô hạn’ Minh Tâm , là đại biểu Quốc hội khoá 12 và khoá 13 hiện nay.“

Chẳng biết trúng hay trật nhưng thấy vui vui. Anh Ba Sàm thì bình luận:” Chuyện “yêu” thì chắc chắn rồi, nhưng “cưới” hay chưa thì mới là tin đồn. Nội dung bài viết cũng có những chi tiết không được chính xác, hơi “dìm hàng” cô dâu quá (“4 lần lên xe hoa”. Thực ra 2 lần là lên xe … với “đại gia” thì đúng hơn). Có lẽ vì vậy mà lối viết cố tình tếu táo cho bà con hiểu là tin “vỉa hè”. Vỉa hè thì vỉa hè, mình vẫn vui như thường.

Việc bác Mạnh yêu hay cưới vợ hai là chuyện bình thường. Bác Nguyễn Trọng Tạo chẳng chức tước bổng lộc gì mà nghe đâu đang định cưới vợ thứ tư, huống gì là bác Mạnh. Nhìn bác Mạnh cười, hàm răng trắng đều tăm tắp biết bác hảy còn sung lắm, răng chắc cặc bền mà. Bác còn yêu được là mừng cho bác ,còn sống còn yêu vậy là vui rồi. Bác Mạnh sinh năm 4o, năm nay đã 72 tuổi rồi. Tuổi ấy Bác Hồ lo ngồi viết di chúc, bác Mạnh vẫn còn yêu được và được gái yêu là rất vui, cuộc đời vẫn đẹp sao he he.. .

Một mụ nạ dòng, hoa khôi năm cà cuống, hay tin này bình một câu tỉnh bơ, nói ông này nông nhưng mà mạnh, duyệt, nếu là tao thì tao cũng duyệt. Đúng đúng. Thôi thì không yêu dân thì yêu gái vậy, không làm cho dân hạnh phúc thì làm cho gái sung sướng, cũng gọi là tài. Bây giờ mình mới thực sự phục tài bác Mạnh, hi hi.

Nguồn:quechoa.info

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

MIỆNG NHÀ QUAN & NỀN HÀNH CHÍNH VỤN




Mình thường quan tâm đến những tuyên bố khi nhậm chức của các thành viên chính phủ,và qua đó dự đoán hậu vận của họ thế nào.Và ít nhất nhiệm kỳ vừa rồi mình đoán đúng.

Thoạt đầu là ông Triệu bộ thuốc.Ông tuyên bố sẽ giải quyết tình trạng bệnh nhân nằm đôi,nằm ba.Khi phóng viên hỏi ổng bằng cách nào thì ổng trả lời: “Chúng tôi sẽ tận dụng các phòng họp,phòng giao ban,hội trường của các bệnh viện để kê thêm giường.Cái này chúng tôi đã thử nghiệm ở Bệnh viện Thanh Nhàn rồi…” là mình thấy trớt quớt.Cái sáng kiến kê thêm giường ấy,bà hộ lý ở bệnh viện cũng làm được,không cần đến ông tiến sĩ bộ trưởng đâu ạ.Đúng ra ở tầm ông,ông phải có một giải pháp tổng thể,ví dụ quy hoạch lại chiến lược phát triển hệ thống y tế công theo hướng ngay càng thu nhỏ quy mô,hướng đến đối tượng người nghèo,chính sách,và mảng dự phòng.Còn lại tập trung phát triển y tế tư trong sự quản lý chặt về chất lượng,hiệu quả trên chi phí…Từ đó giảm tải cho tuyến y tế công hạng cao.Chứ tận dụng phòng họp và kê giường thì…xin chịu ông Chiệu…Và nhiệm kỳ của ông trôi qua êm đềm không có gì cho ngành y khởi sắc nếu không nói là tệ hơn,ngoài cái thuật ngữ kỳ quặc dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm mà không phẹt mẹ nó cái từ thổ tả.

Rồi tuyên bố đến năm 2011 viên chức ngành giáo dục sẽ sống bằng lương của ông bộ học Nhân.Cứ như ông phát tiền quà sang 5000đ cho con ăn phở mà không cần biết giá phở hiện tại bao nhiêu.Ông có hỏi ông bộ tiền Ninh hay bộ buôn Hoàng thử năm 2011 rau muống bao nhiêu bó,liệu ông Ninh có cân đối đủ tiền cho ông trả không?Sướng miệng…Và ông cũng êm đềm nhấn nút escape nhường ghế cho ông Luận với đống không,đống chung mà giờ này người ta thấy một ngành giáo dục nhiều không quá mà chẳng có gì chung.

Rứa năm ni nghe bộ đi Thăng tuyên bố cái chi.Ổng nói phải cho tư lệnh cái quyền.Ừ,có cái quyền.Ổng vô Đà Nẵng,bụp ngay ông Trưởng ban dự án sân bay.Bà con nghe mát dạ.Mấy thằng ì,thằng ạch phen này chết nhá…Ổng nói thiệt làm thiệt đó…

Nhưng ổng lại thừa thắng xông lên.Thần tốc,thần tốc hơn nữa.Táo bạo,táo bạo hơn nữa bằng cách cấm xe máy.Ổng lùa người ta đi xe bus vì ổng nói ổng có đi xe bus hai lần rồi.Thì cứ tin là ổng đã đi xe bus hai ngàn lần rồi cho mau,nhưng ổng đã làm gì để cải tiến sự thuận tiện của phương tiện giao thông công cộng này.Thằng dân nó cũng khôn lắm quý nhà chức trách ạ.Thấy cái gì ngon bổ rẻ là hắn mần ngay,không đợi khuyến khích đâu.Như chỗ mình bây giờ có phong trào đi nhậu bằng taxi vì hắn rẻ,an toàn (vì chưa kẹt xe và chắc cũng không có cơ hội kẹt xe).Ba thằng uỵch lên chiếc bốn chỗ đi vô tư có vài chục ngàn,rẻ hơn đi ba chiếc xe máy.

Rồi ông hiến kế điều chỉnh giờ làm việc.Cái này hơi bị được à nha.Ông có cách nào giải tán mấy cái trường mẫu giáo,mầm non,tiểu học,THCS đi không.Vì tụi nó tan học không được bố mẹ đón (bố mẹ chưa đến giờ tan ca) tự đi về dễ thành Yue Yue (Phật Sơn) lắm.

Rồi ông cấm (thì cứ cho là ông khuyến cáo đi cho nó bớt màu quy phạm pháp luật) thuộc cấp ngành đi từ cấp Vụ đổ lên không chơi golf vào ngày nghỉ.Tại sao là golf.Thế họ đi đánh billard được không?Họ đi Singapore,Thailand giải trí cuối tuần được không? Cấm,cấm,cấm…Tại sao thay vì cấm chơi golf,ông không thực hiện công khai tài sản của thuộc chức?Công khai rồi,ông cho hỏi tiền đâu mấy anh chơi golf?Vậy còn ai dám chơi golf?

Ông không nghĩ ra được cái gì hay hơn mấy cái cấm đó sao? Ví như thay vì ầm ĩ cấm,ông chịu khó huy động think tank của bộ ông đề xuất phương hướng phát triển giao thông công cộng (chứ không phải làm tốn thì giờ của Quốc Hội vào cái vụ tàu cao tốc).Và phối hợp với các bộ khác đề ra quy chuẩn về phát triển đô thị,tuân thủ các tiêu chuẩn văn minh về môi trường,giao thông công cộng…

Những việc đó chắc chắn là không có hiệu quả ngay.Nhưng nó chắc chắn là không tạo nên những núi rác tương lai mà các ông bộ trưởng con,bộ trưởng cháu phải gánh.

Thấy một người sắp chết nước không phải chứ nhảy ào xuống là cứu được,huống hồ là cả chục ,cả trăm người sắp chết nước…Một hai ba...nào ta cùng nhảy chỉ là hành vi từ một não trạng hành chính vụn mà thôi.