Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

VÀI SUY NGHĨ RỜI RẠC VỀ DÂN CHỦ.


Biểu tình ở Thái Lan (3-4/4/2010)
Tôi cảm thấy rất thú vị trước ý này và bài này của nhà báo Hannah Beech khi cô bàn về dân chủ ở châu Á, giữa lúc các phong trào áo vàng - áo đỏ đang xuống đường rầm rộ ở Thái Lan cách đây chưa lâu.

"They called themselves the people's Alliance for Democracy (PAD), but their aims were hardly democratic. During their 192-day protest campaign, the PAD paralyzed Thailand, blockading the capital's two airports for eight days and besieging the Prime Minister's office complex for months."

"Họ tự gọi mình là Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD), nhưng mục đích của họ khó có thể coi là dân chủ được. Suốt 192 ngày của cuộc phản đối, PAD đã làm tê liệt Thái Lan, phong tỏa hai sân bay của thủ đô trong tám ngày và vây hãm văn phòng Thủ tướng hàng tháng trời".

Beech dẫn chuyện ở Thái như là một ví dụ sinh động cho điều mà bà cần nói: dân chủ - theo khái niệm của phương Tây - đang vật lộn trong cuộc sinh tồn trên xứ sở châu Á. Sau khoảng chưa đầy một thế kỷ rưỡi kể từ khi người châu Âu bắt đầu mang theo những hình thái dân chủ, pháp quyền sơ khai tới Á Đông; và sau chỉ chưa đầy vài chục năm kể từ khi các mô thức dân chủ hiện đại đơm mầm, người Á Đông vẫn đang cố gắng làm quen với dân chủ. "Không hiểu sao nền dân chủ Thái Lan lại ra thế này", Thitinan Pongsudhirak, một giáo sư chính trị tại đại học Chulalongkorn ở Bangkok băn khoăn.

Niềm băn khoăn của Thitinan là dễ hiểu, khi mà PAD, vốn luôn nêu cao khẩu hiệu dân chủ, ủng hộ phong trào dân chủ 1992, thì lúc bấy giờ lại đang ra sức ủng hộ một mô thức bầu nghị sĩ phi dân chủ.

Và Thái Lan không phải là một ví dụ đơn lẻ, những điều tương tự cũng xảy ra, thi thoảng hoặc khá thường xuyên, ở những xã hội dân chủ Á Đông khác, như Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines...

Điều đáng chú ý là, một số biểu hiện chệch choạng cụ thể này của dân chủ, đã làm gia tăng mối hồ nghi trong dân chúng về các giá trị dân chủ phương Tây. Ở Thái Lan, một bộ phận trong tầng lớp trí thức đã bắt đầu đồng cảm với quan điểm của Samuel P. Huntington rằng, một nền dân chủ phương Tây phổ quát (một kiểu trang phục one-size-fits-all) chỉ là ý chí chủ quan của phương Tây. Họ hồ nghi về tính phổ quát đó, và họ đã vặc lại bằng một câu cắc cớ quen thuộc: "Tại sao chúng tôi lại phải mang đôi giày dân chủ kiểu Âu - Mỹ? Chúng tôi có hình thức dân chủ phương Đông của chúng tôi".

Tồi tệ hơn, một số chệch choạng hiện tại, theo Beech, đã làm nảy sinh tâm lý hoài cổ trong dân chúng. Họ tiếc nuối những nhà độc tài bị lật đổ thuở xưa. Thật là một cái vòng luẩn quẩn! Chính những con người từng có khát vọng, hơn ai hết, lật đổ độc tài, thì giờ đây tâm hồn đang luẩn quẩn ở đâu đó trên chuyến tàu ngược về quá khứ. Tâm lý này là dễ hiểu. Khi người ta có một chút gì đó, có thể ít thôi, thất vọng về hiện tại, người ta sẽ sống với quá khứ nhiều hơn, người ta sẽ nhớ về những điều tốt đẹp và bỏ qua những u ám của quá khứ. Ở đâu cũng vậy.

Nhưng nếu tâm lý hoài cổ chỉ phảng phất đâu đó, thì có một sự thực rất thực, đó là người Á Đông vẫn còn bỡ ngỡ với dân chủ kiểu phương Tây, sau chừng ấy thời gian tiếp thu và vận dụng. Điều này cũng giống như một gã Á Đông cứ mãi cảm thấy chật chội trong chiếc áo com lê, nên cơi nới chỗ này, chắp vá chỗ kia. Thành ra chiếc com lê lịch lãm phương Tây khi đến tay gã đã trở thành một món trang phục nửa mùa, một thứ dấm dớ nào đó, đông chẳng ra đông, tây chẳng ra tây. "Chúng tôi có hình thức dân chủ phương Đông của chúng tôi", vì thế, là một ngụy biện, một sự chống chế.

Theo Beech thì dự án Barometer châu Á, một chương trình thăm dò ý kiến công chúng về chính trị, đã tìm thấy kết quả trong một cuộc thăm dò rằng: số đông người châu Á ủng hộ các giá trị dân chủ, nhưng tỉ lệ dân chúng mong muốn giảm bớt quyền lực của lãnh đạo thấp hơn nhiều so với châu Âu, thậm chí còn thấp hơn cả vùng Nam Sahara. Tức là, tinh thần dân chủ châu Á chưa triệt để bằng châu Phi. Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, có tới hai phần ba những người được hỏi đồng ý rằng nên trao cho những nhà lãnh đạo tốt bụng quyền được làm bất cứ gì ông ta muốn, dù việc đó có thể phạm luật, một kiểu xuất hóa đơn khống vậy. Đây là một tàn dư, hay một giá trị, của tinh thần Khổng giáo.

Dân chủ, theo cách hiểu phổ thông hiện nay, là một giá trị mà người phương Tây sáng tạo ra. Giá trị đó không phải chỉ mới xuất hiện từ Cách mạng Hà Lan thế kỷ 16 hay từ khi Charles-Louis de Secondat, Nam tước xứ Montesquieu, xây dựng lý thuyết tam quyền phân lập. Nó đã được gieo mầm từ thời cổ đại, từ nhà nước Cộng hòa La Mã hay những thuyết luận của Aristotle. Nó là một phần của phương Tây, hay chính xác hơn, nó chính là phương Tây và phương Tây chính là nó.

Người phương Tây duy lý ít tin vào một nhà lãnh đạo tốt bung, nhưng họ tin có thể lập ra những thiết chế để hạn chế ở mức cao nhất mặt tiêu cực của nhà lãnh đạo. Đó chính là tư duy pháp trị. Trong khi đó, người Hàn Quốc, trong ví dụ ở trên, tin rằng nên trao quyền lực vô biên cho những nhà lãnh đạo tốt bụng. Đấy chính là khoảng cách trong cách hiểu dân chủ giữa người phương Đông và phương Tây.

Việt Nam, nằm ngay trên lộ trình Đông tiến của người châu Âu, đã va chạm rất sớm với nền văn minh phương Tây. Nhưng bánh xe lịch sử trớ trêu đã đẩy đất nước này đi theo một lối khác với Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Philippines... Thay vì nhập khẩu dân chủ phương Tây, Việt Nam chọn chủ nghĩa cộng sản - cũng là một sản phẩm nhập cảng từ phương Tây nhưng đến nay đã thất bại ngay chính trên mảnh đất mà nó sinh ra.

Vì hoàn cảnh này của Việt Nam, và đặc biệt hơn nữa là sau khi chuỗi nhà nước cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, mà ham muốn dân chủ phương Tây bung ra như một lẽ tự nhiên, ngày càng mãnh liệt. Trước hết là ở tầng lớp trí thức tinh hoa, sau đó tới số đông dân chúng.

Nhưng cũng tương tự như các ví dụ ở trên, về Thái Lan, Hàn Quốc..., người Việt Nam sau chừng ấy năm dường như vẫn còn bỡ ngỡ, lúng túng trước cái khái niệm dân chủ, pháp quyền, xã hội dân sự... Trong hành vi hằng ngày của những người cổ súy dân chủ, có thể nhận ra những tàn tích của tư tưởng Khổng giáo, hoặc quán tính của một thời gian dài sống dưới chế độ cộng sản. Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ là một ví dụ sinh động về sự giằng xé nội tại trong cùng một con người.

Được đào tạo bài bản ở phương Tây, và trưởng thành trong thời buổi thoái trào của chủ nghĩa cộng sản tại châu Âu và Nga, ông Cù Huy Hà Vũ có tất cả những điều kiện và lý do để theo đuổi con đường mang hạt giống dân chủ phương Tây gieo xuống xứ sở này. Và chính ông đã mạo hiểm bản thân để thực hiện điều đó. Khi ông kiện chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong vụ bôxít Tây Nguyên, tôi không dám chắc rằng ông tin hành động đó sẽ dẫn tới một phán quyết của tòa án, đừng nói tới một phán quyết theo chiều hướng ông mong muốn, nhưng tôi tin rằng bằng hành động ấy, ông muốn thúc đẩy nhận thức về một xã hội pháp quyền, nơi mọi công dân đều công bằng trước pháp luật, đều phải trả lời pháp luật về hành động của mình. Khi ông hô hào đa đảng trên các báo đài hải ngoại, đó là lúc ông muốn có một nền dân chủ phương Tây ở đây. Ông là một con người vừa có khát vọng, vừa dám dấn thân, vừa có tư duy, vừa có ý chí. Thế nên, ông dễ dàng trở thành nguồn cảm hứng, thần tượng của đám đông đang khao khát những anh hùng dân chủ.

Nhưng mặt khác, cũng chính trong con người của tiến sĩ Vũ, tôi thấy vẫn còn phảng phất hình bóng của một đứa con cưng trong lòng chế độ cộng sản. Hay nói cách khác, quán tính của ngày trước đang giằng co với tư duy dân chủ của hôm nay. Sau vụ đập tường gạch nhà ông Vũ, ông đã vác đơn chạy thẳng lên Văn phòng Trung ương Đảng để tìm gặp ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Hình ảnh này hình như hơi đá nhau với chủ trương dân chủ, pháp quyền mà ông luôn nhấn nhá. Hay chẳng hạn như, lúc này, ông cổ súy dân chủ, tự do cá nhân, tự do báo chí, đả phá sự độc đoán của chính quyền, lúc khác, ông lại kêu gọi chính cái chính quyền mà ông cho rằng độc đoán ấy sử dụng công cụ độc đoán để ngăn cản một bộ phim mà theo ông là "giống Tàu". Kêu gọi tẩy chay, phê phán một bộ phim là quyền tự do công dân, điều bình thường trong một xã hội đa nguyên, nhưng cầu viện tới chế độ mà mình cho là độc đoán để thực thi một biện pháp độc đoán đối với một bộ phim, tôi e rằng là chưa thật ổn về mặt lập trường dân chủ. Dân chủ, pháp quyền không phải là những khái niệm có thể du di, ở chỗ này thì thế này, chỗ kia thì thế kia (*).

Tôi không cho rằng ông Vũ là một con người hai mặt. Nhưng tôi thấy rằng, trong cơ thể ông đang có một sự giằng xé nội tại, một bên là ý thức đấu tranh cho dân chủ, dân quyền, một bên là tâm lý con cưng chế độ vẫn còn rơi rớt lại. Đây là một sản phẩm lịch sử và nó vượt ra ngoài ý thức chủ quan của chủ thể.

Sự giằng xé này không chỉ tồn tại trong những cá nhân. Nó cũng tồn tại trong những xã hội. Chẳng hạn như một xã hội Thổ Nhĩ Kỳ luôn chịu sự giằng xé giữa một bên là các giá trị Hồi giáo và bên kia là tinh thần hướng Âu. Hay một xã hội Việt Nam luôn chịu sự giằng xé giữa truyền thống và hiện đại.

Thực ra, ông Vũ chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về sự giằng xé ở những con người chủ trương dân chủ tại Việt Nam. Rất gần thôi, ở trên thế giới mạng này, có thể dễ dàng gặp các văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, các trí thức cấp tiến, lúc này họ hô hào tôn trọng quyền tự do sáng tạo, họ lên án việc cấm Rồng Đá, Thời Của Thánh Thần, nhưng lúc khác họ lại cầu viện tới hội đồng xét duyệt văn học, hội đồng kiểm duyệt điện ảnh của cái nhà nước luôn bị họ ta thán ấy, kêu gọi các quan chức sa lông và ít có hiểu biết cũng như tinh thần trách nhiệm ra tay để loại bỏ tác phẩm này, tác phẩm kia khỏi giá sách, khỏi rạp chiếu phim, vì vong bản, vì lai Tàu, vì tầm thường, vì dâm tục - như Sợi Xích của Lê Kiều Như hay Hội Thề của Nguyễn Quang Thân chẳng hạn. Một số người, sau một thời gian đấu tranh, lại thấy mình như đang trở về cái thời hoàng kim của đấu tố.

Một xã hội đa nguyên, một xã hội dân chủ lành mạnh là một xã hội mà trong đó những tư tưởng khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau có thể cùng tồn tại, dù va chạm nhau chan chát. Một người Mỹ vác súng sang chiến trường Iraq, đó là một người Mỹ yêu nước (Mỹ). Nhưng đồng thời, một người Mỹ xuống đường chống việc đưa quân sang Iraq, đó cũng là một người Mỹ yêu nước (Mỹ). Người lính ra trận vì họ tin rằng tiến hành cuộc chiến tranh này là tốt cho nước Mỹ, là nhằm bảo vệ lợi ích của nước Mỹ. Sinh viên xuống đường chống chiến tranh bởi không muốn nước Mỹ phải tốn máu, tốn tiền (còn tình yêu hòa bình, lòng trắc ẩn nào đó đối với người dân ở đất nước Iraq "nào đó" thì là điều xa xỉ). Những luồng tư tưởng đối nghịch đó cùng tồn tại và nước Mỹ vẫn không ngừng đi lên.

Từ góc độ của người quan sát, tôi từng thấy, trong số các "elite" dân chủ ở Việt Nam, một luật sư Lê Công Định với những ý thức dân chủ triệt để, không bị giằng xé giữa cái tôi độc đoán và luật chơi của dân chủ. Hay nói cách khác, ông hiểu rất rõ những giá trị mà ông theo đuổi (**). Nhưng ở ông lại thiếu mất sự sôi nổi, hào nhoáng của một nhà hoạt động hàng "elite", trong cái thời buổi mà người ta cần nhất sự sôi nổi, hào nhoáng này. Dễ hiểu vì sao ông ít tạo ra được cảm hứng mãnh liệt từ đám đông.
Và bây giờ thì ông cũng không còn "hot" nữa.

* Không mấy liên quan, nhưng không hiểu sao tôi chợt nhớ tới bộ phim hành động Blitz có tay diễn viên Jason Statham đóng vai người hùng cảnh sát. Gã giết người hàng loạt (mà toàn giết công an mới mấu chứ) bị sa lưới với rất nhiều thứ gần như là bằng chứng. Nhưng rốt cuộc, ba ngày sau, khi Statham và đồng sự không tìm ra bằng chứng nào đủ thuyết phục, thì cảnh sát buộc phải trả tự do cho Blitz. Nhân vật do Statham đóng nhận thấy, nếu để thằng Blitz này sống cho tới khi cảnh sát tìm ra bằng chứng đủ thuyết phục, thì e rằng sẽ có thêm nhiều cảnh sát nữa bị hạ. Thế là Statham dùng luật rừng để xử. Một phát súng trên sân thượng và thế là mọi việc kết thúc. Tôi thấy ở câu chuyện này một tinh thần pháp trị rất cao, đó là, trong mọi trường hợp, hãy lôi luật ra mà làm việc. Còn nếu không, anh hãy chọn luật rừng. Hoặc là luật pháp, hoặc là luật rừng, không có chuyện du di, linh hoạt.

--------------------

(**) Nhưng giờ ông đang ở tù. Giả sử ông thay cái tủ sách rất lớn ở nhà bằng tủ rượu thì chắc giờ này vẫn sống khỏe re. Khổ thế. Thời đại của những tủ rượu!

Nguồn:blogmrdo.blogspot.com

NHÂN VẬT TAM QUỐC.

Từ Thứ,tay công chức thứ thiệt

Từ Thứ
Xét về tài thao lược,có lẽ Thứ chỉ chịu xếp sau Ngoạ Long,Phượng Sồ.Vậy mà một chút sơ sểnh,Thứ phải lóc cóc về Tào,bắt đầu cuộc đời thân ở Tào,lòng ở Lưu.Không biết Thứ có mắc cỡ khi hàng tháng nhận lương đều đặn mà chẳng chịu làm gì,chẳng tham mưu cho Tào một ý kiến ý cò gì.Rõ Thứ giống một bộ phận công chức ngày nay:Ai cũng nhận lương mà không ai làm việc....Biết mà không nói.Kệ cho ông chủ Tào suýt chết cháy ở Xích Bích,Thứ lặng lẽ chuồn về Hứa Đô ngồi chơi cờ tướng.Không biết sau vụ đó Tháo có đuổi việc Thứ vì thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng không,chứ các sếp chúng ta bây giờ nên cẩn thận với những nhân viên như thế này.

Trương Phi đánh Đốc Bưu, tội chống người thi hành công vụ

Trương Phi
Rõ là anh chàng họ Trương này sai lè lè ra rồi.Đốc Bưu là quan thanh tra,thì hiển nhiên là có đức hách dịch và đức vòi tiền như các quan thanh tra khác.Đời nào cũng vậy.Có trách là trách ông huyện Lưu Bị không biết cách bòn khoét của dân,ăn phần trăm các dự án tái thiết huyện sau cuộc chiến tranh với giặc Khăn Vàng để đút lót cho Bưu.Mà không biết ăn thì đừng làm quan,sớm muộn gì cũng rước hoạ vào thân.
Trương Phi cậy thân thế là em quan,dù là em nuôi,xông vào trói đánh Đốc Bưu,là vướng hai tội:Một là chống người thi hành công vụ,hai là tội làm nhục người khác.Còn thêm lỗi cậy thân thế con em quan chức để quậy phá gây rối,chưa kể có thể hành động khi nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép.Từng ấy thứ đủ đưa Phi ra toà với mức án từ 3 đến 7 năm rồi.
Còn ông huyện Bị,đã không đem phép nước ra trị ông em của mình,lại a dua theo treo ấn bỏ quan mà chưa được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.Tự ý bỏ việc như vậy là vi phạm pháp lệnh công chức rồi,lại bao che cho tội phạm Trương Phi,ông huyện Bị này chắc cũng phải ra toà vì tội không tố giác tội phạm quá.

Tại sao Tào Tháo giết Dương Tu ?

Tào Tháo
Thứ nhất,Tu đã cố ý đưa thông tin sai lạc.Trận đánh với Lưu Bị tại Nam Trịnh (Đông Xuyên),Tháo giao mật khẩu cho Hạ Hầu Đôn là Kê Cân,có nghĩa là gân gà,Tu đã thông tin cho binh lính thuộc quyền là Thừa tướng xuống lệnh rút lui nên sắm nắm hành trang chuẩn bị về.
Thứ hai,Tu cố ý làm lộ bí mật công tác.Tháo dặn lính hầu là Thừa tướng hay nằm mê giết người,nên không được ai lại gần khi Tháo ngủ.Một ngày Tháo đang ngủ trong trướng,đạp rơi chăn,tên lính hầu thấy vậy nhặt chăn đắp lại cho chủ.Tháo vùng đứng lên tuốt kiếm chém bay đầu kẻ khốn khổ rồi trùm chăn ngủ tiếp.Lát sau Tháo ngồi dậy vờ khóc lóc :Ai giết tên hầu của ta thế này,rồi cho làm ma to.Ai cũng thương xót cho tên hầu,chỉ có Dương Tu cười khẩy:Thừa tướng không ngủ mê đâu,ngươi mới là kẻ ngủ mê.Lộ bí mật công tác của Thừa tướng.
Thứ ba,Tu lợi dụng quyền tự do dân chủ.Khi Tháo đến xem việc sửa chữa cổng vườn phủ Thừa tướng,lấy bút đề chữ Hoạt vào cổng rồi bỏ về.Tốp thợ ngơ ngác không hiểu Thừa tướng muốn gì.Tu láu táu nói:Chữ Hoạt để bên cạnh chữ Môn (cửa) thành chữ Khoát nghĩa là rộng.Tốp thợ theo lời Tu sửa cổng hẹp lại.Chuyện chơi chữ là độc quyền của Thừa tướng mà Tu lại dám tự do hiểu ý thì...
Thứ tư,Tu lạm dụng chức vụ quyền hạn.Khi Tháo muốn thử tài hai con là Phi và Thực,sai hai người ra cổng thành nhưng ngầm ra lệnh cho lính canh ngăn lại.Phi không qua được cổng đành trở về.Chỉ có Thực nhờ Tu bảo trước nên hiên ngang tuốt kiếm chém bay đầu quân canh để đi qua với lý do:Ta phụng mệnh Thừa tướng ai dám ngăn trở...Vậy Tu đã lạm dụng chức vụ của mình được ở bên Thừa tướng biết được thông tin và bán thông tin cho Thực gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
Vậy Tu chết là phải lắm.Đâu có oan.

Viên Thiệu đóng tàu.

Viên Thiệu
Thiệu,xuất thân con nhà thế gia,ba đời làm tới tam công,bản thân hào hoa phong nhã,nắm quyền Đại tướng quân,ngồi trấn bốn châu Ký, Thanh, U, Tinh, lương đủ quân nhiều. Một ngày nọ bỗng nổi hứng tính đóng tàu lớn nam hạ đánh Tào Tháo.
Xét về tài nguyên vật lực,Thiệu không thiếu thứ gì,lại mới "vay tạm" binh lương của Công Tôn Toản,thừa sức đóng tàu to dọa tới ba đời nhà Tào Tháo.
Tuy nhiên,Thiệu lại có quá nhiều quân sư,mà kẻ nào cũng đeo quạt đầy mình.Quạt Tây Vực có,quạt Đông Thổ có,mà kẻ nào cũng cho quạt mình là nhất.
Thiệu tính thương người,lại thiếu khả năng quyết đoán,nên nghe quạt phía nào cũng mát.Thay vì đóng tàu Càn thiên áp lãng,Thiệu bèn gom tất cả các loại quạt để không mất lòng quạt nào,chế ra loại tàu Tứ phương bình bình,bề nào cũng bằng nhau,hình dung giống con giải Kiếm hồ,gọi là Viên Viên quy thuyền.
Đối trận với Tào,Viên viên quy thuyền xoay tròn tròn,tứ lục bát phương thọ địch.Lính Hà Bắc chóng mặt,ói mửa như lộng vũ.Rốt cuộc Viên Viên quy thuyền chìm nghỉm,Thiệu thổ huyết chạy về Hà Bắc.Quân tan thân bại.Bao nhiêu hùng khí đóng tàu ra biển lớn chết chìm theo tay Tào.
Vậy chăng,cái gì lai tạp cũng không nên.Tàu thuyền có dài có ngắn,cái gì ra cái ấy.Lai tạp làm gì cho khổ thân.

CÓ NÊN NUỐI TIẾC.




Có ba thứ trong đời không bao giờ nên tiếc nuối: Một tình yêu đã ra đi; một người bạn không xứng đáng và ngày hôm qua.

Bởi vì đó là những điều đã không còn có thực, không còn có ý nghĩa và không còn tồn tại trong ngày hôm nay và ngày mai của ta. Vì thế, là những điều không nên làm vướng bận lòng ta, không nên làm u sầu trái tim ta và làm rơi nước mắt ta thêm nữa.

Một sớm mai kia thức dậy, bạn có thể sẽ thấy người bạn yêu không còn là người đàn ông/đàn bà bạn đã yêu nữa. Bạn sẽ buồn vì họ? Sẽ đau vì không thể yêu người đó nữa? Sẽ tiếc nuối tình yêu đã có? Nhưng, hãy nghĩ: Khi bạn yêu họ, họ là người bạn yêu, với những gì bạn yêu. Khi họ không còn như thế nữa, hoặc khi bạn nhận ra họ chưa bao giờ như bạn nghĩ, cũng đừng cảm thấy đau buồn hay nuối tiếc. Bởi vì tình yêu đó, trước giây phút đổi thay đó đã là một tình yêu trọn vẹn, người yêu đó trước giây phút nhận ra đó đã là một người yêu trọn vẹn. Chỉ có điều, đó là một tình yêu đã qua, một người yêu đã ra đi. Và nên để gió cuốn bay đi...

Một người bạn không xứng đáng với những gì ta dành cho họ càng không bao giờ nên hối tiếc, cho dù có thể là một nỗi buồn trong thoáng chốc. Buồn không phải vì ta đã dành cho họ nhiều yêu thương mà họ không xứng đáng được nhận, cho đi là không bao giờ nên hối tiếc. Mà buồn vì cuộc sống không nên như thế, con người không nên như thế, vậy thôi. Dù sao, cũng nên sống hết mình, yêu thương hết mình. Đâu đó trong cuộc đời vẫn là những vòng tay rộng mở, còn những cái quay mặt đã ở sau lưng...

Và ngày hôm qua. Ngày hôm qua luôn là một cái bóng rất lớn, đôi khi là quá lớn lên hiện tại. Cho dù là cái bóng của hạnh phúc hay bất hạnh. Có những người không bao giờ thoát nổi ra khỏi cái bóng đó để bước đi về phía ngày mai. Nhưng bạn biết không, chỉ những người không nhìn thấy bóng mình vì bận rộn ngẩng cao đầu bước mới không luẩn quẩn ở cái bóng của mình mãi. Ngày hôm qua chỉ là một cái bóng. Mà chúng ta thì cần điều gì đó rõ rệt, mang dáng dấp, hơi thở, sự sống. Đừng đuổi theo cái bóng đó, bạn nhé. Nó cũng giống như ngồi thở than vọng tưởng những cánh bướm mùa trăng tròn thuở xưa. Hãy cứ thương nhớ nhưng đừng bao giờ tiếc ngày hôm qua. Ngày hôm qua đã qua rồi...

Đôi khi, đúng hơn là rất nhiều khi tôi cũng thấy buồn. Nhưng tuyệt nhiên không bao giờ cho phép mình nuối tiếc. Tôi tin, rất tin cuộc sống cần dựa trên những nỗ lực không mệt mỏi để vươn lên, để cho đi và để biết trân trọng hiện tại, hướng tới ngày mai. Những gì đã cho đi là những điều quý giá. Những hạnh phúc đã mang đến cho người là những món quà tự tặng mình. Những yêu thương đã trao là những yêu thương được nhận. Ngay cả những nỗi buồn cũng là một trải nghiệm ý nghĩa. Những cho nhận ấy ngày hôm nay và ngày mai nhìn lại ta mới có thể thấy hết giá trị của đời mình.

Những người luôn bận lòng với những đố kị, day dứt với những đau khổ, trẫm mình trong nước mắt, giam mình trong những ám ảnh về quá khứ và dằn vặt mình với những đòi hỏi yêu thương là những người không bao giờ có thể hạnh phúc, không bao giờ biết giá trị đích thực của cuộc sống.

Một sớm mai kia khi tất cả sẽ thành hư vô trong đời, tôi mong bạn sẽ mỉm cười. Vì mình đã sống những ngày trọn vẹn.

TIỂU NHÂN & QUÂN TỬ.


Khổng Tử

1. Hai từ “Tiểu nhân” vốn có xuất xứ từ kinh Phật, trong Tạp thí dụ kinh. Chuyện là xưa có người tiểu nhân ngoại quốc hầu hạ người quyền quý, muốn lấy lòng người này, hễ thấy người quyền quý dổ một bãi nước bọt thì chạy liền đến dùng bàn chân xóa sạch đi. Trong số đó có một người tay chân chậm chạp, tuy cũng muốn lấy chân mình dẫm lên bãi nước bọt mà không kịp. Một lần, người giầu sang chúm miệng lại như sắp dổ nước bọt, anh ta liền giơ bàn chân giẫm lên miệng người giầu sang kia. Người giầu sang quát: “Mày muốn làm phản hả? Sao lại đạp lên miệng tao?” Tiểu nhân trả lời: “Tôi có ý tốt, số là ngài dổ nước bọt tôi muốn dẫm lên xóa sạch, nhưng nước bọt vừa ra khỏi miệng ngài thì người ta đã gianh nhau xóa mất rồi, tôi luôn luôn không kịp, vì vậy giờ tôi phải xéo lên bãi nước bọt khi nó còn ở trong miệng ngài”.

2. “Tiểu nhân” là từ trái nghĩa với “quân tử” mà Nho gia dùng để gọi những người phẩm chất hèn kém hay địa vị thấp kém. Luận ngữ – Vi chính viết: “Bậc quân tử trung tín với tất cả mọi người mà không bè đảng, còn tiểu nhân thì bè đảng mà không trung tín với tất cả mọi người” (Quân tử chu nhi bất tị, tiểu nhân tị nhi bất chu).

3. Quân tử là người có tài học, đức hạnh hoặc làm quan theo quan niệm Nho gia. Tiểu nhân thì ngược lại. Khổng Tử chủ trương người thống trị nên thi hành nhân chính, dùng đức tốt mà giáo hóa trăm họ chứ không nên hơi một tí là sát phạt. Luận ngữ – Nhan Uyên: “Quan Thượng khanh nước Lỗ là Quý Khang Tử hỏi Khổng Tử rằng, nếu giết kẻ vô đạo để thành hữu đạo thì thế nào? Khổng Tử đáp, ngài làm chính sự, cần gì phải giết chóc? Đức của người quân tử ví như gió, đức của kẻ tiểu nhân ví như cỏ. Gió lướt trên, cỏ ắt phải rạp xuống” (Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo. Thảo thượng chi phong, tất yển).

4. “Cửu tư” (chín điều cần suy nghĩ) là chuẩn tắc tu thân xử thế của người quân tử. Luận ngữ – Quý thị: “Khổng Tử nói: Người quân tử có chín điều lo nghĩ: nhìn lo sao cho tinh, nghe lo sao cho sáng, vẻ mặt lo sao cho hòa nhã, thái độ lo sao cho khiêm cung, nói năng lo sao cho trung thực, làm việc lo sao cho thận trọng, nghi ngờ lo sao cho hỏi ra lẽ, bực tức lo tới hậu quả hoạn nạn, thấy được (lợi) phải lo tới nghĩa”.

5. Người quân tử có ba lần biến đổi (Quân tử tam biến – lời của Tử Hạ, học trò Khổng Tử). Luận ngữ – Tử Trương: “Người quân tử có ba lần biến đổi: nhìn từ xa thì thấy nghiêm trang đường bệ, đến gần tiếp xúc thì thấy thái độ ôn hòa, nghe lời nói thì thấy ngay chính, nghiêm túc”.

6. Quân tử có ba lỗi (quân tử tam khiên) là kinh nghiệm của Khổng Tử rút ra khi đi du thuyết chư hầu. Luận ngữ – Quý thị: “Hầu chuyện bậc quân tử có ba lỗi: nói chưa tới lượt mình mà đã nói, thế là bộp chộp; nói đã tới lượt mình mà không nói, là giấu giếm; chưa thấy vẻ mặt ra sao mà đã nói, là mù quáng”.

7. Người quân tử có 3 niềm vui (quân tử tam lạc). Mạnh Tử – Tận tâm thượng: “Người quân tử có ba niềm vui mà việc làm vua thiên hạ cũng chẳng dự được vào đấy (chẳng vui bằng). Cha mẹ đều còn, anh em vô sự, đó là một niềm vui. Ngẩng lên không thẹn với trời, cúi xuống không thẹn với người, là hai niềm vui. Có được những anh tài trong thiên hạ mà giáo dục, dạy dỗ là ba niềm vui”.

8. Người quân tử cầu ở mình, kẻ tiểu nhân cầu ở người (quân tử cầu chư kỉ, tiểu nhân cầu chư nhân – Luận ngữ – Vệ Linh công). Đó là hai loại triết học xử thế khác nhau?!

9. Người quân tử không có điều gì phải tranh chấp (quân tử vô sở tranh – Luận ngữ – Bát dật). “Người quân tử không có điều gì phải tranh chấp. Nếu có, ắt là thi bắn cung chăng? Vái chào nhường nhau mà bước lên, rồi xuống mà uống rượu. Đó là sự tranh đua của người quân tử chăng?” Ấy là Nho gia chủ trương một mực giữ lễ, dùng lễ để kiềm chế việc tranh chấp, thung dung nhường nhịn, để duy trì sự ổn định trong xã hội.

Nguồn:huyminh.wordpress.com