Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

NHỮNG CÁI CHẾT LÃNG XẸT.


1. Chàng và nàng rong ruổi trên chiếc xe gắn máy qua con đường thu vàng rực đầy lá me bay. Gió thu thổi tóc nàng bay bay, cọ vào má chàng. Nàng mỉm cười hạnh phúc gục đầu vào vai chàng, đặt nhẹ nụ hôn nóng bỏng ướt át vào cổ chàng, thì thầm thật khẽ lời yêu thương. Chàng ngoái cổ lại hôn vào trán nàng. Họ đâm vào đít chiếc xe tải đi đằng trước, chàng gãy cổ. Đưa vào bệnh viện, bác sĩ bảo: “Gia đình khiêng về lo ma chay”.

2. Chàng và nàng dạo chơi bên đầm sen. Những đóa sen hồng tỏa mùi hương ngát trong nắng chiều. Nàng thỏ thẻ đòi chàng chứng tỏ tình yêu bằng một bó sen thơm. Chàng gallant, lại biết bơi nên không sợ chết đuối. Nàng hạnh phúc nâng niu bó sen suốt trên đường về. 3 hôm sau sen tàn, chàng cũng sốt cao rồi lên cơn uốn ván, do dẫm chân phải cái đinh gỉ ven bờ đầm. Đưa ma chàng, đã hết mùa sen.

3. Chàng đội mưa trong đêm, nhảy tường công viên hái cho nàng một bó hoa vạn thọ. Nàng chơi dương cầm, mắt nhòe hạnh phúc khi thấy chàng hiện ra trong đêm mưa: “Tôi là khách qua đường, xin em hãy nhận lấy!”. Nàng trao chàng nụ hôn thơ ngây đầu đời. Chàng sung sướng lảo đảo đi về, qua đầu ngõ, bị dại xồ ra cắn. Ngày ra đi, bọt mép chàng xùi trắng hơn bong bóng nước đêm mưa

4. Nàng xinh đẹp giỏi giang và là “gái đoan trang dễ đâu làm quen”. Chàng từ lâu, toàn tâm toàn ý gửi trọn con tim cho hình bóng nàng. Kịch bản cổ điển được dàn dựng: Nàng sẽ bị một đám du đãng (bạn chàng giả danh) vây bủa, chàng sẽ tả xung hữu đột phò giai nhân thoát hiểm. Mọi việc đều hoàn hảo, trừ miếng đòn cuối hạ gục tên đầu sỏ, chàng hứng chí song phi quá độ, mất đà đập đầu vào tường. Chẩn đoán rạn xương sọ não, chảy máu trong. Chàng sống thêm nửa ngày rồi… tắt thở.

5. Chàng bao giờ cũng mơ mộng lãng mạn về người mình yêu, rón rén nhẹ nhàng đến sau lưng và quàng tay ôm chặt cổ nàng thật lâu. 2 người lặng im không nói, nghe tình yêu bay lên, bay lên. Một hôm chàng đang ăn mận trên phòng, nàng đến nhà chơi chào bố mẹ chàng rồi khẽ khàng lên gác. Chàng đang ngửa cổ khoan khoái nhai mận, bị nàng ôm choàng từ sau lưng, hột mận tụt xuống cổ rồi tắc luôn trong vòng tay. Sau ít phút yêu lặng lẽ, nàng nhận thấy tim chàng hết còn đập thình thịch như lúc đầu, mà đã… ngừng luôn.

6. Kỉ niệm một năm ngày yêu nhau, chàng mua tặng nàng chiếc nhẫn mặt kim cương để ngỏ lời cầu hôn. Hồi hộp, chàng đứng trước gương trong toilet tập tành mãi từng ánh mắt nụ cười cử chỉ. Mồ hôi ra ướt hết cả tay, chàng để rơi chiếc nhẫn vào bồn tắm. Cúi xuống nhặt, chàng bị trượt chân đập đầu vào thành bồn tắm, đúng chỗ có cái móc quần áo của bộ vét chàng sẽ mặc tối nay nhọn hoắt nhô lên. Chàng chết, giai vẫn còn tân...

Rất nhiều cái chết lãng xẹt – Đọc ngày đầu tuần để càng thấm thía: Sống được đã may mắn. Được sống lại càng hạnh phúc hơn, nên đừng có bon chen, giành giật khốn nạn, đạp nên nhau và làm điều ác để làm gì. Cẩn thận lại… đi lãng xẹt đấy.

Nguồn:tapchibapcai.com

LÀNG CŨ TAM KỲ.



Đến nửa đầu thế kỷ XX, địa danh Tam Kỳ còn dùng để chỉ một xã thuộc tổng Chiên Đàn, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam và “làng Tam Kỳ” cùng “làng Tứ Bàn” là hai trong các làng địa phương trước Cách mạng tháng Tám trực thuộc xã ấy.

Vị trí hai làng cổ Tam Kỳ đến thời điểm đó có thể xác định như sau: Nam giáp làng Phú Hưng và làng Khương Mỹ (nay thuộc xã Tam Xuân I) mà ranh giới là sông Tam Kỳ; Đông và Đông Nam giáp làng Phú Quý thượng (nay thuộc phường An Phú) mà ranh giới là sông Bàn Thạch; Bắc và Tây Bắc giáp hai làng Mỹ Thạch (nay thuộc phường Tân Thạnh) và làng Phương Hòa (nay thuộc phường Hòa Thuận); Tây giáp thôn Trà Cai của làng Chiên Đàn (nay thuộc phường Hòa Thuận) và tây nam giáp làng An Dưỡng và Trường Xuân (nay thuộc phường Trường Xuân).

Tam Kỳ là ngôi làng rất xưa. Theo gia phả các họ tộc tiền hiền tại đây, những cư dân đầu tiên đến vùng đất này từ niên hiệu Hoằng Định (1600) đời vua Lê Kính Tông (tộc Trần) và từ 1740 đời vua Lê Hiển Tông ( tộc Nguyễn). Tên làng có lẽ có trước 1767, bởi đến thời điểm đó, địa danh Tam Kỳ còn được dùng để chỉ một khu vực rộng hơn đó là Tam Kỳ tân lập xã (1). Làng có các ấp: Hương Trà, Hương Sơn thượng, Hương Sơn hạ, Hòa Phước, Hòa An ấp, Hòa An khuôn (2). Hương Trà, một ấp nằm sát tả ngạn sông Tam Kỳ là nơi định cư sớm nhất của các di dân từ xã Kim Chuyết, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Hương Sơn hạ là ấp định cư ban đầu của di dân tộc Nguyễn từ xã Ngọc Lâm, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa vào (3).
Đình làng Tam Kỳ nằm ở khu vực ấp Hòa Phước (gần khu vực Quỳnh Phủ hội quán hiện nay) (4). Gần đấy có một giếng Chăm cổ đáy vuông, thành vuông có bốn trụ nhô cao thường được gọi là giếng Bốn Trụ. Giếng đó đến nay hãy còn (ở khu vực khối phố 1 phường Hòa Hương, thành phố Tam Kỳ).



Bến của “tuần đò Tam Kỳ” giữa thế kỷ XVIII được nhắc trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn nay không thể xác định nằm ở khu vực nào ở tả ngạn sông Tam Kỳ. Có khả năng bến ấy nằm ở khu vực giữa cầu cũ và cầu mới Tam Kỳ hiện nay. Nơi ấy, khoảng 1952-1954, gọi là “bến thương thuyền” là nơi tập trung những thuyền buôn từ các nơi đổ về; những thuyền này trước đỗ ở bến Chợ Vạn sau vì máy bay Pháp oanh tạc đã tụ cả về đây.

Khu vực “Hòa An khuôn” có một địa danh là “Phủ cũ” xuất phát từ việc ghi nhận tại đây có lỵ sở của phủ Tam Kỳ xưa. Nền lỵ sở này ngày nay là nơi tọa lạc của trụ sở UBND phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ. Hiện còn một cây đa cổ thụ tuổi có thể hơn 200 năm nằm sát khu vực này.
Cách phủ lỵ Tam Kỳ về hướng Nam Đông Nam khoảng 500 mét có một gò đất rộng, bằng phẳng gọi là “Gò Nha”. Chẳng rõ đấy có phải là nơi tọa lạc của một số nha môn thuộc phủ Tam Kỳ xưa? Nhưng chắc nơi ấy chẳng phải là “nha sơn phòng” vốn lúc đó đặt ở Dương Yên thuộc huyện Bắc Trà My bây giờ.


Hoa sưa An Thổ
Ven sông Tam Kỳ, phía trên đường thiên lý, có một khu đất gọi là “Gò mả đông” thuộc khu vực làng Hương Sơn thượng. Tương truyền đây là nơi chôn rất nhiều nạn nhân của một trận đói lịch sử (?) thời xưa; như phía hữu ngạn sông Tam Kỳ có “Gò dịch” chôn nạn nhân của một trận dịch thời trước (?). “Gò mả đông” là nơi thực dân Pháp hành hình nhà yêu nước Trần Thuyết, một thủ lĩnh nông dân địa phương trong phong trào kháng sưu chống thuế năm 1908.

Ga Tam Kỳ nằm gần sát cột cây số đường sắt chính giữa ga Hà Nội và ga Sài Gòn. Từ cuối thế kỷ XIX, khi hòan thành đường sắt xuyên Việt, ga Tam Kỳ đã hình thành. Ga này nằm ở trung điểm khoảng cách giữa ga Quán Rường (nay là ga An Mỹ) ở phía Bắc và ga Phú Hưng còn gọi là ga tạm Khương Mỹ (nay không còn) ở phía Nam thuộc địa phận xã Tam Xuân I, Núi Thành.
Từ ga Tam Kỳ, người Pháp thiết kế một con đường thẳng xuống hướng Đông Bắc (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng), song song với đường băng qua đường sắt xuống chợ Vạn (nay là đường Trần Cao Vân). Nối hai con đường ấy, có một quan lộ (nay là một đoạn của đường Trần Dư). Chỗ góc tiếp giáp đoạn quan lộ ấy với đường xuống chợ Vạn (nay thuộc khu vực Nhà văn hóa thành phố và trường THPT Lê Quý Đôn), đầu thế kỷ XX người Pháp đặt một đồn đại lý ở đấy. Cái đồn quân sự - hành chánh ấy đã được nhắc đến trong một bài thơ của thân mẫu cố giáo sư Tạ Quang Bửu, có chồng làm giáo thụ từng sống ở địa phương này:

“Phong cảnh Hà Đông có phải đây?
Có đồn đại lý, có lầu Tây
Nước sông Bàn Thạch quanh quanh chảy
Ngọn núi Tùng Lâm (5) lớp lớp xây?
Kim Đái đai vàng đâu chẳng thấy?
Thạch Kiều cầu đá hãy còn đây!
Sông Tiên nào thấy ông tiên tắm?
Bủa lưới giăng câu mấy chú chài!(6).

Sát đồn đại lý về phía Tây Nam là một bệnh viện mà dân địa phương quen gọi là “Nhà thương” (7). Phía đối diện đồn đại lý, cách 100 mét về phía Đông, là Sở Bang tá. Thân phụ ông Nguyễn Tăng Hích (tức nhạc sĩ Trần Hòan) từng một thời làm việc ở đây. Cạnh đấy, về phía đối diện là Nhà Dây thép (nay là trụ sở Bưu điện thành phố Tam Kỳ). Đồn Thương chánh nằm trên đường quốc lộ xế về phía Nam (nền đất đó nay gần vị trí trụ sở của Ủy ban Thanh tra tỉnh). Có thể kể thêm một số cơ sở khác như Maternité còn gọi là “Nhà thương đẻ” (nay thuộc khu vực chợ mới Hòa Hương) và Abattoir (Lò mổ gia súc) cũng gần khu vực đó.

Giữa khu Chợ Mới (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng nối dài) và Chợ Vạn có trường tiểu học Pháp Việt (Ecole de plein exercice) còn gọi là trường Kiêm Bị (nay thuộc khoảng phía sau khu vực có hiệu trà Mai Hạc đường Phan Châu Trinh). Nhiều thế hệ học sinh cao niên còn nhớ tên các thầy từng làm đốc học nơi đây như thầy Đốc Cảnh (Trần Cảnh), thầy Đốc Hoành (Hà Thúc Hòanh), thầy Đốc Cầm, thầy Đốc Thuyên (con trai chí sĩ Trần Quý Cáp) …
Cùng với ngôi trường trên còn có trường Nữ tiểu học Pháp Việt ( Ecole de jeunnes filles)(8). Bà Lê Đình Lâm (còn gọi là bà Trợ Lâm - thân mẫu giáo sư nông học Lê Văn Căn), một nữ trợ giảng người phủ Tam Kỳ từng làm hiệu trưởng trường này.

Những trụ sở của các tôn giáo tại làng Tam Kỳ xưa có rất muộn và ít: có thể kể chùa Tịnh Độ, chùa Tam Bảo, nhà thờ công giáo địa hạt Tam Kỳ (xây năm 1937) và một nhà nguyện Tin Lành (xây sau 1940). Ở Tam Kỳ xưa, ngoài đạo thờ tổ tiên theo truyền thống, đến giữa thế kỷ XX, số người có tín ngưỡng khác không nhiều.

Làng Tứ Bàn gồm bộ phận dân cư đến định cư ở ven sông Bàn Thạch - một nhánh của sông Tam Kỳ - nơi lưu truyền câu ca:

Hồ, Huỳnh, Trần, Nguyễn. Đỗ, Đinh, Lê
Đồng hướng Nam du hội nhất tề…”.

Tại khu vực này, có một miếu thờ 7 họ tộc đã được nhắc đến trong câu ca trên; đó là “Miếu thất phái” sau trở thành trụ sở đình làng Tứ Bàn còn được gọi là “đình thất phái”.

Chếch về phía Nam “đình thất phái” khoảng 300 mét là Quỳnh Phủ Hội Quán do các người Hoa gốc Hải Nam thành lập. Trong khu vực Hội Quán này có chùa Chiêu Ứng được xây dựng mang tên trùng với Chiêu Ứng tự tại Hội An.

Dãy phố nằm giữa hai cơ sở văn hóa trên được dân địa phương thời Pháp thuộc quen gọi là “dãy dọc” (nay nằm trên trục đường Duy Tân). Trên dãy phố này, có nhiều cửa hàng của người Việt như An Lợi bán rượu, ông Hai Dao bán cao lầu, bà Bảy Sửu cho thuê truyện, ông Thuyết buôn lâm thổ sản, ông Sum buôn mắm, bà Khải, bà Đức Thọ, bà Năm Nho… Gia đình ông Nguyễn Quý Hương, thư ký tòa soạn báo Tiếng Dân, từng một thời sống ở dãy phố này.

Bến chợ Vạn thuộc làng Tứ Bàn trên sông Bàn Thạch nằm ở điểm giao hội các con đường từ Trà My, Tiên Phước xuống vùng hạ bạc và con đường dẫn lên khu chợ Vạn (nay là đường Xóm Củi sát mé sông, thuộc phường Phước Hòa). Chợ “Man” được nhắc đến trong Đại Nam Nhất Thống Chí phần viết về tỉnh Quảng Nam xưa có lẽ nằm gần khu vực này.

Chợ Vạn là nơi tập trung buôn bán khá sầm uất – gần đấy có một dãy phố “Hoa kiều” gọi là “dãy ngang” (nay thuộc đường Phan Đình Phùng, gần trụ sở phường Phước Hòa). Nơi đây, đến giữa thế kỷ XX, vẫn còn san sát các hiệu buôn người Hoa như của các ông Năm Ngô, ông Phong, ông Bang Căn, ông Lý Tuế (ông Cào), ông Cao Vinh Sanh (Đạt An), ông Cả Chiếu (Ngô Quân Tụ), Quảng Nam Lợi, Phúc Xuân Lợi, Quảng Nam Thạnh, Phước Dũ Thạnh… Các hiệu buôn này chủ yếu làm đại lý trung chuyển nguồn lâm thổ sản từ các miền nguồn Nam Quảng Nam đưa về Hội An để xuất khẩu; một số hành nghề thuốc Bắc. Có thể kể thêm một đại lý cho hãng rượu Sica của Pháp tại khu vực này là ông Nhì Xùng (Di Sùng ?) (9). Về sau, đến thập niên 1930, khi chợ Mới (sau gọi là chợ Mai) được thành lập thì chợ Vạn được người địa phương gọi thành tên “chợ Cũ”.


...........

Chú thích:

(1) Theo một sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 27 (1767) còn lưu tại nhà ông Trần Văn Tuyền, Hương Trà, Hòa Hương, Tam Kỳ.

(2) Theo cụ Nguyễn Ngọc Cẩn 84 tuổi ở khối phố 7 phường An Xuân, thì đến đầu thế kỷ XX, cả Hòa An ấp và Hòa An khuôn đều được nâng lên thành làng cùng với làng Phước Xuyên thuộc khu vực Cồn Thị bên kia sông Bàn Thạch.

(3)Theo gia phả tộc Trần làng Hương Trà và gia phả tộc Nguyễn làng Hương Sơn, Tam Kỳ.

(4)Vẫn theo cụ Nguyễn Ngọc Cẩn, thì đình này bị tháo dỡ trong thời kỳ tiêu thổ kháng chiến; còn nơi đặt đình Tam Kỳ (còn gọi là đình Hương Trà) hiện nay vốn trước đó là nền một ngôi chùa do người Hoa lập nên gọi là Chùa Ông.

(5) Có người cho đây là tên khác của cụm núi đất An Hà - Quảng Phú hiện nằm ở khu vực phường An Phú, Tam Kỳ. Nhưng, nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng thì ghi là núi Thanh Lâm - nay thuộc xã Tiên Thọ, Tiên Phước. (Xin xem thêm “100 năm Phủ lỵ Tam Kỳ” Kỷ yếu hội thảo khoa học, Sở TTVH Quảng Nam XB tháng 12.2006 trang 32,33)

(6) Những mô tả trên của Tạ Quang Diệm phu nhân bao gồm nhiều địa điểm thuộc khu vực phủ Tam Kỳ xưa mà nay đã tách thành bốn khu vực hành chính: huyện Tiên Phước, huyện Núi Thành, huyện Phú Ninh và thành phố Tam Kỳ. Vì thế, nhiều người khác địa phương hẳn không ngạc nhiên gì khi thấy những ghi nhận về vùng đất Tam Kỳ xưa không chỉ bao gồm đất và người ở nội thành mà còn ở cả ba huyện còn lại đã nói trên, cùng với cả địa giới hai huyện Nam và Bắc Trà My vốn đến cuối thế kỷ XIX vẫn còn thuộc “Tam Kỳ phủ”.

(7) Theo hồi ức của một vài vị cao niên thì thứ tự các trụ sở thời Pháp thuộc từ đồn Đại lý kể xuống theo trục đường có thể liệt kê như sau: a. Đồn Đại lý; b. Sân tennis; c. Nhà thương; d. Sở Lục lộ; e. Nhà Dây thép…

(8) Có người nhớ vị trí trường tọa lạc gần khu vực Quỳnh Phủ Hội Quán; lại có người nhớ trường này đặt ở khu vực hiện nay là trường tiểu học Trần Quốc Toản đường Trần Cao Vân. Có thể trường Nữ tiểu học Pháp Việt này trước nằm gần quốc lộ sau chuyển lên vị trí mới chăng?

(9) Theo lời kể của ông Vương Tải Minh, gốc Hoa, cán bộ tập kết hưu trí, hiện ở đường Huỳnh Thúc Kháng nối dài.

Nguồn:banvannghe.com