Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

HÀNG NGÀN ĐIỂM 0.


Ông Bộ Trưởng Giáo dục & Đào tạo trả lời báo chí:

“Ông nghĩ gì khi kỳ thi ĐH vừa rồi cũng giống như nhiều năm trước, môn sử có hàng ngàn điểm 0?


+ Tôi nghĩ bình thường. Vì thi ĐH là cuộc thi tuyển nên đề thi có sự phân loại rõ ra người giỏi, người khá, người yếu kém để tuyển chọn.

. Thưa Bộ trưởng, dư luận xã hội đặt câu hỏi phải chăng có vấn đề trong giáo dục môn học này?

+ Cần phải bình tĩnh để nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện. Bây giờ hô hào các cháu phải học ngoại ngữ, học tin học… thì có những môn như lịch sử và cả văn học bị xem nhẹ hơn chút cũng đừng coi là thảm họa. Mình cần điều chỉnh nhưng đừng quy kết là chú trọng đẩy cái này để sao nhãng cái kia.
Các bạn hãy nhìn rộng ra nhiều nước trên thế giới này, không chỉ ở Việt Nam có hiện tượng này. Vì tiếng nói của khoa học lịch sử trong cuộc sống hiện đại hôm nay ít, cơ hội tìm việc làm của những người giỏi sử ít. Nhìn kỹ một chút các bạn sẽ thấy môn lịch sử kém thu hút, điểm lịch sử thấp không phải chỉ ở Việt Nam, ở châu Á. Đó là chuyện của thời đại, của thế hệ này, do cách mạng khoa học công nghệ, do sự biến đổi, đòi hỏi của thị trường lao động”.

Ông Bộ trưởng trả lời như một người ngoài cuộc bàng quan nhất.Theo cách nghĩ của ông,thế tất cả những nước tiên tiến hiện nay như Na Uy,Thụy Điển,Mỹ,Singapore,Nhật bản… đều có chất lượng giáo dục môn sử tệ hại như thế.Vì rõ ràng rằng,ở những đất nước này,nhu cầu cũng như khả năng kiếm việc làm trong những lĩnh vực kỹ thuật cao rất lớn.Do vậy họ không cần biết họ là ai,đất nước họ là thế nào…Và họ cũng không thể giới thiệu ra thế giới những thành quả văn hóa mà dân tộc họ,đất nước họ sở hữu…Nhưng đừng quên rằng chính nhờ niềm tự hào dân tộc qua từng trang sử đất nước đã thôi thúc dân Nhật tái thiết đất nước từ đống hoang tàn đổ nát sau Đệ Nhị thế chiến,để 15 năm sau họ đã trở lại vai trò một cường quốc trên lĩnh vực kinh tế.

Lịch sử là một trong những môn học làm người.Và đó là trách nhiệm của hệ thống giáo dục.Không ai làm thay vai trò chủ đạo của ngành giáo dục trong lĩnh vực này được.Các môn Tin học, Ngoại ngữ cũng rất quan trọng,nhưng không thể quan trọng hơn lịch sử.Anh không biết anh là ai,đất nước anh là thế nào thì đừng yêu cầu chúng tôi phải tôn trọng anh.Nếu một nền giáo dục không chú trọng Văn,Sử,Giáo dục công dân thì đó là một nền giáo dục vong bản.

Đổi mới phương pháp giảng dạy lịch sử là một đòi hỏi tất yếu.Và hơn ai hết,là Bộ Trưởng Giáo dục,ông Phạm Vũ Luận phải là tư lệnh của công cuộc đổi mới giáo dục nói chung,và phương pháp giảng dạy nói riêng.Làm sao cho học sinh tự suy luận và rút ra những bài học lịch sử (dù ở dạng ngây thơ hồn nhiên nhất) là cách đưa môn sử trở lại với học đường.Thu được bao nhiêu súng trong một trận đánh không quan trọng bằng trận đánh ấy có ý nghĩa gì.

“Nghề sử là ngụ ngôn chứ không phải tri thức chính xác. Nếu cần biết ông này đẻ ngày nào, trận đánh này tiêu diệt bao nhiêu quân địch… chỉ cần mở máy tính là ra. Cái quan trọng là ý nghĩa sâu xa của mỗi sự kiện lịch sử. Có hai thuộc tính quan trọng của lịch sử là sự trung thực và sự công bằng. Chúng ta có thực sự công bằng trong giáo dục lịch sử không? Nếu thực sự có sự trung thực, công bằng thì lịch sử sẽ hấp dẫn hơn, học sinh học sử sẽ thích hơn. Nếu chỉ nói mãi những điều các em chưa tin thì các em chỉ là khổ sai khi nhớ.
Nước Mỹ học sử thảo luận là chính. Học sinh phải tìm xem trong sự kiện thầy dạy có ý nghĩa gì, tích cực, tiêu cực ra sao… Từ đó các em có phương pháp tư duy. Ta cần xem lại quan niệm về học sử. Đương nhiên đừng có sự đảo lộn quá lớn, cái gì cũng phải có lộ trình”
.(Dương Trung Quốc – Nhà sử học)

Nếu giờ này ông Luận còn nói phải bàn,có nghĩa rằng ông chưa được chuẩn bị để làm bộ trưởng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét