Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

NÓI TOẠC MÓNG HEO.

Gerhard Boldt là sĩ quan tùy viên của Đại tướng Guderian, Tổng Tham mưu trưởng quân lực Đức quốc xã, cũng như người kế nhiệm Guderian là Đại tướng Krebs. Boldt có may mắn là những người chứng kiến những ngày cuối cùng của Hitler, cũng là ngày tàn của chế độ phát- xít, ngay bên trong Tổng hành dinh đế chế. Hồi tưởng của ông ta về những ngày này được Ernst A.Hepp viết lại thành cuốn 10 ngày cuối cùng của Hitler. Bản dịch Người Sông Kiên và Lê Thị Duyên, Sông Kiên xuất bản. Sau đây là một trích đoạn ngắn cho thấy các tướng lĩnh cao cấp Đức đã công phẫn như thế nào khi biết họ đã và đang bị lừa dối.


Từ phải sang:Bormann, Hitler, Keitel, Goering.

Vào khoảng hai giờ sáng, hoàn toàn kiệt sức, tôi (1) nằm xuống để thử ngủ trong giây lát. Bên cạnh tôi,người ta ăn nói ồn ào:Bormann (2),Krebs (3) và Burgdorf (4) uống rượu dữ dội. Bernd (5), nằm ngay phía dưới tôi,lay gọi tôi dậy khoảng hai tiếng rưỡi đồng hồ sau đó và nói: ”Anh đã bỏ mất nhiều chuyện khá lý thú. Hãy nghe người ta nói chuyện bên cạnh. Nãy giờ cũng đã khá lâu rồi”.Tôi nhổm dậy và lắng tai nghe. Burgdorf đang nói như hét với Bormann:

“Tôi đảm nhiệm chức vụ hiện tại đã hơn chín tháng nay rồi. Tôi đã đem tất cả sức lực và bầu nhiệt huyết ra để phục vụ. Tôi lúc nào cũng hướng về mục đích hòa giải giữa Đảng và Quân đội. Tôi đã đi khá xa trong công việc đó đến nỗi các bạn hữu của tôi trong Quân đội tránh xa và khinh rẻ tôi. Tôi đã cố làm tất cả những gì để đánh tan mối nghi ngờ của Hitler và cơ quan Chấp hành Trung ương Đảng đối với Quân đội. Tôi chỉ thành công trong việc làm cho chính mình bị tập thể sĩ quan xem như một tên phản bội. Hôm nay tôi phải thú thật rằng những lời trách cứ người ta dành cho tôi là chính đáng, rằng sự nhiệt tâm của tôi đã bị đặt sai chỗ, rằng đó là nhiệt tâm của một kẻ nông nổi và ngu ngốc”. Ông ngưng một lúc và thở dài. Krebs cố trấn an ông và khuyên ông nên giữ ý tứ trước sự hiện diện của Bormann. Nhưng Burgdorf nói tiếp: ”Cứ để mặc tôi,Hans ạ,sớm muộn gì tôi cũng phải nói những chuyện ấy ra. Nếu không nói bây giờ, tôi e cũng quá trễ trong vòng bốn mươi tám tiếng nữa”.

“Các sĩ quan trẻ của chúng tôi đã xông pha trận mạc với một lòng tin và một lý tưởng chưa từng thấy trong lịch sử thế giới. Hằng trăm ngàn người một, họ đã tiến vào chỗ chết với nụ cười kiêu hãnh trên môi. Vì sao họ chết? Vì Tổ quốc thân yêu của họ, để đem lại cho Tổ quốc một vận mạng huy hoàng hơn? Vì một nước Đức lương thiện và cường kiện? Chứ không phải họ chết vì các ông, để cho các ông sống phè phỡn để thỏa mãn khát vọng uy quyền của các ông. Cả một thế hệ thanh niên của một dân tộc tám mươi triệu người đã đổ máu trên khắp chiến trường ở Châu Âu, nhiều triệu người vô tội đã bỏ mình trong niềm tin tưởng ở chính nghĩa của hành động của họ trong khi các ông, các vị lãnh tụ của Đảng, các ông cậy vào quyền thế để làm giàu. Các ông sống đế vương, góp nhặt tài sản, ăn cắp tiền của,xây dựng lâu đài, các ông ngụp lặn vào sự giàu sang trong sự lừa gạt và áp bức dân chúng. Các ông đã lôi lý tưởng,sự nhiệt tâm, niềm tin và linh hồn của chúng tôi xuống vũng bùn. Con người chỉ là công cụ để thỏa mãn lòng tham vô độ của các ông. Các ông đã hủy diệt nền văn minh thiên nhiên của chúng tôi, các ông đã phá hoại dân tộc Đức. Và chỉ có các ông là phải gánh chịu lấy hoàn toàn trách nhiệm ghê gớm ấy”.

Tướng Burgdorf nói câu cuối cùng với một giọng điệu bi ai. Một sự im lặng ghê rợn bao phủ căn hầm, tiếng người thở nghe rõ mồn một. Giọng nói của Bormann vang lên trầm tĩnh và đầy vẻ dối trá:
“Nhưng, không nên quơ đũa cả nắm, ông bạn thân mến ạ. Nếu tất cả những người khác đều làm giàu, thì riêng tôi, tôi không có gì đáng chê trách về phương diện đó cả. Tôi xin lấy tất cả những gì thiêng liêng nhất của tôi ra thề với ông bạn…”

Tất cả những gì thiêng liêng nhất của tôi? Ông ấy làm như không ai biết việc ông ta đã tậu một đòn điền với nhiều nhà cửa ở Mecklembourg, một đồn điền khác ở Haut Baviere, và ông ta đã xây cất một biệt thự cực kỳ sang trọng trên bờ sông Chiemsee. Và, vài giờ trước đó, ông ta chả đem miếng mồi điền sản ra dụ chúng tôi là gì? Giá trị của lời thề của quan chức có quyền hạn cao cấp nhất của Đảng sau Hitler là như thế….

-----------------------
Chú thích:

1.Gerhard Boldt
2.Bormann: Tổng thư ký đảng Quốc xã sau khi người tiền nhiệm Rudolf Hess chạy trốn sang Anh. Nhân vật quyền lực thứ hai trong đảng, sau Hitler.
3.Krebs: Tổng tham mưu trưởng quân lực Đức quốc xã sau khi Guderian bị thất sủng. Boldt làm tùy viên cho ông này.
4.Burgdorf: Đại tướng Đức,quân ủy trưởng Berlin,chịu trách nhiệm phòng thủ Berlin.
5.Bernd: Sĩ quan tùy viên như Boldt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét