Vì sao Khổng Tử bỏ nước Lỗ chỉ vì một… miếng thịt? Vì sao Lomonosov nổi nóng bẻ gãy cán bút ném lên bàn một vị Viện sĩ lừng danh, rồi thề thốt không bao giờ làm… khoa học? Tại sao Michelangelo trợn trừng trước mặt Giáo hoàng rồi quay ngoắt rời thành Roma ra đi?
Đâu là sự khôn ngoan và… ngu dốt của người tài?
Kéo giữ, trọng dụng thế nào để những con người thực tài và lỗi lạc không quay ngoắt xa lánh, không khạc nhổ trước những lời mời chào?
Xin cóp nhặt lại vài mẩu đoạn lan man, linh tinh đã đọc đã ghi ở đâu đó (hình như trên Vietnamnet) để cùng ngẫm mà giật mình!
1. Lý giải vì sao Liên Xô sau này không có những người "khổng lồ" như Lomonosov, Puskin, Tchaikovski,… mà nước Nga trước đó đã sản sinh, trong huyết tâm thư gửi ngài Khroustchev năm 1961 (khi ấy đang là Tổng Bí thư Đảng cộng sản Liên Xô), nhà vật lý lỗi lạc người Nga Kapitsa đã viết: "Một trong những tố chất của thiên tài là tính không bao giờ chịu khuất phục và luôn luôn phủ nhận cái hiện tại".
Rồi Kapitsa chứng minh: Năm 18 tuổi Lomonosov đã phản kháng quyết liệt nhận xét của một Viện sĩ, người đứng đầu Viện hàn lâm khoa học Nga vì ông này cho rằng phát minh của nhà khoa học trẻ Lomonosov là không có căn cứ. Lomonosov bẻ ngay cán bút vứt lên bàn trước mặt vị viện sĩ kia và thề rằng sẽ không bao giờ làm… khoa học nữa.
Khi phát hiện ra mình lầm, ngày hôm sau, vị viện sĩ kia tới tận nhà xin lỗi nhà khoa học trẻ còn chưa có tiếng tăm. Và nhờ thế, sau này nước Nga, và cả thế giới đã có một nhà khoa học lỗi lạc mang tên Lomonosov.
2. Nghe Michelangelo là họa sĩ tài danh, Giáo hoàng mời ông tới đúc tượng cho mình. Khi làm xong, Giáo hoàng ngắm nghía và phán một câu lạnh băng: "Sao chẳng giống tôi tý nào cả". Michelangelo thản nhiên trả lời: "100 năm nữa nhân loại sẽ bảo đó là… Ngài" và bỏ thành Roma ra đi.
Hôm sau, Giáo hoàng ân hận, đích thân ra tận biên giới để xin lỗi Michelangelo, rồi mời ông ở lại. Nhờ thế, nhân loại ngày nay mới được chiêm ngưỡng những tuyệt tác có một không hai của trường phái Phục hưng.
3. Khổng Tử giận dỗi quay ngoắt bỏ nước Lỗ mà đi, chỉ vì trong một dịp Tết, vua Lỗ không chia phần thịt cho mình. Nhiều người không hiểu, cho rằng Khổng vì tham… miếng thịt nên bỏ cả xứ sở.
Nhưng không phải, "anh" không chia phần thịt cho "tôi", tức là "anh" không coi "tôi" thuộc lớp người được kính trọng trong thiên hạ, để khi cần thì hỏi ý kiến. Vì thế nên "tôi" không thể nào ở với "anh" được. Thế đó!
4. Người tài không biết nịnh. Cái "ngu dốt" nhất của người tài là không hiểu biết về "khoa học xu nịnh". Vì họ không có thời giờ để học những cái đó! Người quân tử không phải không có trí, không phải không có mưu, nhưng người quân tử không thèm làm những mưu mô và xảo trá mà tiểu nhân dám làm. Và đấy là những điều kiện để kẻ tiểu nhân hay thắng được quân tử!
Người tài sợ chủ nghĩa phân phối bình quân, vì thực sự ra, họ không quá quan tâm và quá coi trọng đến vật chất, nhưng lại luôn nghĩ rằng: Đôi khi vật chất lại là thước đo sự đánh giá, sự trân trọng.
Nếu chỉ cần và mong ở một xã hội biết vâng lời, chứ không biết và không chịu chấp nhận những cá nhân có chính kiến khác thì làm sao có được nhân tài? Thế thì làm sao mà họ không cao ngạo (cao ngạo cũng là… cái chất của người tài đấy!), làm sao họ lại chẳng quay ngoắt và khạc nhổ trước những… lời mời chào?
Và, cao ngạo cũng là một trong những… động lực của sự phát triển đấy.
Nguồn:truongduynhat.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét