Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

TRUNG QUỐC CHƯA BAO GIỜ CÓ CHỦ QUYỀN Ở HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA


Trong suốt 22 thế kỷ, từ các đời Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, Tống Thần Công, Minh Thành Tổ đến giữa thế kỷ XX (1951), tài liệu chính sử Trung Quốc đã chưa bao giờ cho thấy chủ quyền của họ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa) trên Biển Đông của Việt Nam (mà họ gọi là Biển Hoa Nam). Chỉ từ những năm giữa thế kỷ XX trở lại đây, Trung Quốc thay đổi thái độ và liên tục lên tiếng đòi hỏi chủ quyền "bất khả tranh nghị” đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, họ không đưa ra được cơ sở pháp lý hay một bằng chứng lịch sử nào đáng tin cậy cho thấy họ có chủ quyền hợp pháp trên các quần đảo này.
Tuần tra bảo vệ chủ quyền trên
đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường sa, Việt Nam
Ảnh: HOÀNG LONG
Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ dựa trên các tài liệu của các nhà du hành, thám hiểm và dĩ nhiên, theo công pháp quốc tế những tài liệu này không phải là các tư liệu chính thức của Nhà nước có thể dựa vào để chứng minh chủ quyền và sự kiểm soát chính thức của Trung Quốc tại các quần đảo này. Các bản đồ cổ mà Trung Quốc trưng ra để làm bằng chứng lịch sử cũng không phải là bản đồ chính thức của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Thậm chí, cho đến cuối thế kỷ XX, tài liệu chính sử ghi chép lại cho thấy Trung Quốc vẫn không coi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của họ. Điều này được ghi nhận bởi các sự kiện liên quan đến 2 tàu La Bellona và Imeji Maru vận chuyển đồng dưới sự bảo hiểm của các công ty Anh quốc. Hai tàu này bị chìm trong khu vực quần đảo Hoàng Sa (Paracels), trong các năm 1895 và 1896. Các ngư dân Trung Quốc từ đảo Hải Nam đã thu nhặt đồng từ xác tàu chìm và đem đi bán cho các thương nhân ở Hải Nam. Các công ty bảo hiểm của hai con tàu đã phản đối với Chính phủ Trung Quốc, đòi Trung Quốc phải chịu trách nhiệm. Khâm sai Quảng Đông lúc đó đã trả lời Công sứ Anh tại Bắc Kinh rằng: "Paracels là những hòn đảo vô chủ, chẳng thuộc Trung Quốc cũng như chẳng thuộc An Nam, về mặt hành chính chúng không nằm trong địa phận của quận huyện nào ở Hải Nam và cũng không có cơ quan đặc trách nào lo việc cảnh sát ở đó cả”. Trước những sự thật lịch sử hiển nhiên như vậy, Trung Quốc vẫn mạo nhận rằng họ đã chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ thứ XV trong chuyến đi thứ tư của Trịnh Hòa năm 1413. Tuy nhiên, trong các sách sử chính thức của Trung Quốc ghi chép về những chuyến hải hành phái bộ Trịnh Hòa không phải để chinh phục vùng Biển Đông (mà họ gọi là Biển Hoa Nam) nơi có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đoàn thuyền của phái bộ này chỉ đi ngang qua Biển Đông hướng về Ấn Độ Dương, không hề ghé lại các đảo hay quần đảo nào của Việt Nam.
Chùa Việt Nam trên đảo Trường sa Lớn
Theo luật pháp quốc tế, muốn xác lập chủ quyền lãnh thổ trên biển và hải đảo phải hội đủ 3 điều kiện: phải có sự thực thi chủ quyền của Nhà nước; thực thi một cách liên tục và lâu dài; được sự thừa nhận của các quốc gia duyên hải, đặc biệt là các quốc gia tiếp cận và đối diện. Những tài liệu chính sử của Trung Quốc cho thấy cho đến thế kỷ XIX người Trung Quốc cũng chỉ đi ngang qua các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không hề có việc tuyên bố, hành xử chủ quyền lâu dài và liên tục tại các đảo này. Thậm chí, có tài liệu của Trung Quốc còn mặc nhiên công nhận sự liên hệ của các quần đảo này với Việt Nam. Cuốn Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) viết: "Lộ trình phía ngoài được nối với lộ trình phía trong bởi Vạn Lý Trường Sa nằm giữa biển. Chiều dài của quần đảo khoảng vài chục ngàn dặm. Nó là bức phên dậu phòng thủ biên giới phía ngoài của nước An Nam”. Hơn nữa, chính sử nhà Thanh còn ghi rõ cho đến cuối thế kỷ XIX lãnh thổ Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam tại vĩ tuyến 18 là hết, trong các bản đồ chính thức của triều đình không hề có các địa danh Tây Sa, Nam Sa hay Vạn Lý Trường Sa... Có thể khẳng định rằng nhà Thanh kết thúc từ năm 1911 chưa bao giờ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, càng không bao giờ có cái gọi là "vùng biển lịch sử” bao chiếm hầu như toàn bộ Biển Đông do Trung Quốc tự tuyên bố như là "ao nhà” của họ từ hàng ngàn năm về trước.
Bà con dân tộc miền núi Việt Nam thăm
UBND xã đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa
Luật quốc tế cũng cho phép thủ đắc lãnh thổ do chiếm cứ, tuy nhiên phải hội đủ các điều kiện sau đây: chiếm cứ thực sự; chiếm cứ công khai; và chiếm cứ hoà bình. Không thể phủ nhận một sự thật lịch sử là vào năm 1956, Trung Quốc đã bí mật chiếm cứ vũ trang các đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, Trung Quốc tiếp tục dùng vũ lực chiếm đoạt toàn bộ các đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa từ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1988, Trung Quốc tiếp tục đưa tàu chiến vũ trang hạng nặng chiếm đoạt một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Những vụ chiếm cứ này của Trung Quốc không mang tính hòa bình mà do sử dụng vũ lực mang tính xâm lăng nên không bao giờ được luật pháp quốc tế công nhận. Do đó, những đảo mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm bằng vũ lực trên Biển Đông không được coi là hợp pháp nên không bao giờ có chủ quyền theo luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Việt Nam đã chiếm cứ, quản lý, khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa công khai, liên tục, lâu dài và hoà bình ít nhất từ thế kỷ XVII cho đến nay, nên theo luật pháp quốc tế, Việt Nam có đủ điều kiện xác lập và hành xử chủ quyền của mình trên hai quần đảo này, kể cả các đảo đã bị cưỡng đoạt bằng vũ lực và đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp.
Đảo Trường Sa Lớn
Khi Thế chiến thứ II còn đang tiếp diễn, năm 1943, đại diện ba cường quốc đồng minh là Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa Dân Quốc đã họp tại Cairo (Ai Cập) ra Tuyên cáo Cairo ngày 27-11-1943. Điều đáng lưu ý là tại Hội nghị Cairo, Trung Hoa Dân Quốc không hề đòi hỏi chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 7-1945, đại diện Hoa Kỳ, Anh và Liên Xô họp tại Potsdam (Đức) ra Tuyên ngôn Potsdam ngày 26-7-1945, trong đó có việc ấn định thể thức giải giới quân đội Nhật tại Thái Bình Dương. Theo đó, Trung Quốc có nghĩa vụ giải giới quân đội Nhật tại Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc kể cả quần đảo Hoàng Sa; quân đội Anh từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam kể cả quần đảo Trường Sa. Giải giới không có nghĩa là tiếp thu hay chiếm lãnh thổ. Do đó nếu Anh không có chủ quyền lãnh thổ ở Trường Sa thì Trung Quốc cũng không có chủ quyền lãnh thổ tại Hoàng Sa, và dĩ nhiên cũng không có chủ quyền ở Trường Sa. Tại Hội nghị San Francisco năm 1951 Nhật Bản đã khước từ chủ quyền lãnh thổ tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà nước này chiếm đóng trong chiến tranh. Hội nghị cũng đã phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc và mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này. Ngày 7-5-1951, tại phiên họp toàn thể Hội nghị, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chính phủ Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã lên diễn đàn công bố chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và không có sự phản kháng nào của tất cả các quốc gia tham dự hội nghị. Về mặt pháp lý quốc tế, với sự công bố chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước 51 quốc gia hội viên Liên Hợp Quốc, có nghĩa là kể từ năm 1951 các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được cộng đồng thế giới thừa nhận thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Điều này có giá trị tuyệt đối, kể cả đối với các quốc gia không tham dự Hội nghị. Ba năm sau, Hiệp định Genève 1954 tiếp tục khẳng định rõ ràng chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra, Hiệp định Genève 1954 cũng khẳng định: "Các quốc gia tham dự Hội nghị Genève (trong đó có Trung Quốc) cam kết tôn trọng chủ quyền độc lập, nền thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”.
Đoàn đại biểu các dân tộc Việt Nam
tại mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa Lớn

Căn cứ vào những tài liệu lịch sử chính thức có giá trị pháp lý quốc tế, Trung Quốc đã ý thức được sự yếu kém của họ về cả 3 mặt pháp lý, địa lý và lịch sử. Do đó, họ không bao giờ dám công khai thảo luận về vấn đề tranh chấp chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các đảo khác trên Biển Đông. Họ thường né tránh và luôn tuyên bố đó là một vấn đề "không thể chối cãi” hay "không thể tranh luận”. Lý do rất đơn giản vì họ không có đủ tài liệu hay lý lẽ để có thể đưa ra tranh nghị một cách công khai trước sự giám sát của cộng đồng quốc tế cũng như của các tổ chức đảm bảo việc thực thi luật pháp quốc tế để có thể chứng minh chủ quyền hợp pháp của họ tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo luật pháp quốc tế, ngày nay tất cả các cuộc xâm chiếm lãnh thổ bằng vũ lực đều bị coi là bất hợp pháp nên không có giá trị pháp lý để xác lập chủ quyền lãnh thổ. Do đó, các đảo mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm bằng vũ lực và đang chiếm giữ bất hợp pháp trên Biển Đông, cũng như tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là không bao giờ thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

Nhóm PV Biển Đông
Nguồn:Daidoanket.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét