Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

ĐỒNG THUẬN HAY HÒA THUẬN.

Chúng ta thường nghe cấp trên kêu gọi, chỉ thị: Phải tạo ra sự đồng thuận cao, đồng thuận trong nội bộ sẽ là điều kiện tiên quyết, then chốt cho mọi sự thành công.Thực ra có phải điều này lúc nào cũng luôn luôn đúng? Tại sao có lúc, có nơi mọi nghị quyết đều được thông qua, mọi chủ trương đều được quán triệt với sự đồng thuận cao,tỉ lệ phần trăm nhất trí cao nghi ngút, mà khi thi hành lại dở ẹc ? Lại ào ạt cãi, tới tấp vả, cứ như rằng mấy người đó không giơ tay thông qua chủ trương đó không bằng.

Tra từ điển, đồng có nghĩa là cùng,là giống như. Chí hướng giống nhau là đồng chí, cùng chung một thầy là đồng môn. Thuận có nghĩa là vui lòng theo, hoặc là không trái, không ngược. Vậy tạo sự đồng thuận là làm cho giống nhau để không trái, không ngược.

Thế nhưng sự việc nó đâu đơn giản như thế. Hai người có thể đồng, chứ 3 người trở lên thì…Huống hồ là một cơ quan, một cộng đồng, một xã hội. Cái sự đồng thuận ở Bắc Triều tiên luôn tiềm ẩn một nguy cơ bất ổn xã hội. Với một xã hội như Hợp chúng quốc Hoa kỳ thì không biết phải làm thế nào để có một sự đồng thuận.

Ở ta, nghị quyết đưa ra, có cấp trên về dự, ai không giơ tay nhất trí, coi chừng có vấn đề. Ai cũng sợ hãi mà giơ tay. Đó là cách làm cho giống nhau để không trái với ý định của cấp trên. Tất nhiên còn có nhiều cách khác tinh vi hơn, nhưng tựu trung cũng đi đến kết quả đó.

Thế còn hòa thuận. Hòa có nghĩa là êm ái, không sinh sự. Hòa hợp là thỏa thuận và đồng ý với nhau. Hòa giải là dàn xếp êm ái các bên. Vậy hòa thuận là vui long theo, không làm trái trên cơ sở êm ái, không sinh sự. Mọi lợi ích, quyền và nghĩa vụ của từng nhóm đều được tôn trọng qua sự thỏa hiệp.

Hòa cần có sự thương lượng, thỏa thuận. Đồng chỉ cần một phát súng lệnh từ trên đưa xuống. Đồng chỉ phù hợp trong tổ chức quân đội. Hòa chính là điều cần trong một xã hội dân sự. Ví như một dàn nhạc giao hưởng, có bộ dây, bộ gõ, bộ hơi. Làm sao để dàn nhạc tấu một bản giao hưởng hay, không chỉ đồng nhất một tiếng kèn hay tiếng trống, mà phải hòa âm phối khí. Lúc ấy mà đồng âm thì sao ta? Không ai muốn cho trên trần gian này chỉ còn có một loài hoa, cho dù loài hoa đó được mọi người công nhận là đẹp nhất, thơm nhất, khả ái nhất. Có nhiều loài hoa vẫn hơn, càng có nhiều thì vẻ đẹp trên đời càng phong phú, miễn là người ta bỏ được tính ích kỷ «chỉ muốn cho loài hoa mình thích hay mình đang trồng tồn tại mà thôi».

Vậy cái ta tìm đến là sự hòa thuận, một sự thỏa thuận,trong đó mọi phần tử trong cộng đồng đều thấy hình ảnh, nguyện vọng của mình trong mỗi quyết sách. Tuy khó,nhưng vương bá đôi đường khác nhau. Cụ Khổng đã dạy:Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa. Phải vậy không?

1 nhận xét:

  1. Bài viết hay! đồng thuận là bắt buộc phải cùng nhau theo một chí hướng, còn hòa thuận là sự tự nguyện cùng theo một hướng.
    Như vậy đồng thuận chưa chắc là hòa thuận. Chỉ vì cái lợi chung mà đồng thuận thôi khakha..!

    Trả lờiXóa